VỊ GIÁO HOÀNG CỦA GIA ĐÌNH
Gia đình là sự hiệp thông các ngôi vị
(tiếp theo và hết)
5. Thân xác
Có thể nói đức Gioan Phaolô II là nhà cách mạng tính dục làm đảo lộn lại cuộc “cách mạng tình dục” thế kỉ vừa qua, vì ngài đổi hướng qui nó về Nguồn và Cùng Đích của nó. Trong Thần học về Thân xác, ngài nói : “Thân xác và chỉ có thân xác mà thôi mới có thể làm cho những gì là vô hình, thiêng liêng và thần linh trở thành hữu hình. Thân xác được tạo dựng nên để chuyển thông vào thực tại hữu hình của thế giới này mầu nhiệm vô hình ẩn dấu nơi Thiên Chúa tự muôn thuở, và như thế nó trở thành một dấu chỉ của thực tại vô hình kia”[1].
Gia đình là sự hiệp thông các ngôi vị
(tiếp theo và hết)
5. Thân xác
Có thể nói đức Gioan Phaolô II là nhà cách mạng tính dục làm đảo lộn lại cuộc “cách mạng tình dục” thế kỉ vừa qua, vì ngài đổi hướng qui nó về Nguồn và Cùng Đích của nó. Trong Thần học về Thân xác, ngài nói : “Thân xác và chỉ có thân xác mà thôi mới có thể làm cho những gì là vô hình, thiêng liêng và thần linh trở thành hữu hình. Thân xác được tạo dựng nên để chuyển thông vào thực tại hữu hình của thế giới này mầu nhiệm vô hình ẩn dấu nơi Thiên Chúa tự muôn thuở, và như thế nó trở thành một dấu chỉ của thực tại vô hình kia”[1].
Thiên Chúa đã muốn làm cho Mầu nhiệm của Ngài trở nên thấy được đối với chúng ta, nên Ngài đã ghi dấu nó vào trong thân xác chúng ta bằng cách tạo dựng chúng ta có nam có nữ theo hình ảnh của Ngài (St 1,27). Nhiệm vụ của hình ảnh này là phản chiếu Thiên Chúa Ba Ngôi, tức là sự Hiệp Thông thần linh khôn dò của Ba Ngôi Vị. Bởi thế, Đức Giáo hoàng mới kết luận rằng «con người trở thành “hình ảnh và họa ảnh” của Thiên Chúa không chỉ bởi nhân tính của mình nhưng còn nhờ sự hiệp thông các ngôi vị giữa người nam và người nữ ngay từ thuở ban đầu»[2]. Thân xác có “ý nghĩa hôn phối” bởi lẽ nó mạc khải ơn gọi của người đàn ông và người đàn bà trở nên tặng phẩm cho nhau, một tặng phẩm được thực hiện trọn vẹn trong sự kết hợp nên “một xương một thịt”. Thân xác cũng có ý nghĩa sinh sản bởi có thể cho chào đời một “kẻ thứ ba” nhờ mối thông hiệp ấy. Theo nghĩa đó, hôn nhân là một “bí tích nguyên thủy” hiểu như là một dấu chỉ thông ban thực sự mầu nhiệm sự sống và tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa cho người chồng và người vợ, và qua họ cho con cái, và qua gia đình họ cho thế giới.
6. Những bổn phận của Gia đình
6. Những bổn phận của Gia đình
Có lẽ bây giờ ta hiểu được tại sao đức Gioan Phaolô II dạy rằng gia đình có một vai trò chủ chốt trong nhiệm cuộc cứu độ. Trong Thư gửi các Gia đình, ngài nói gia đình là “lối đi đầu tiên và quan trọng nhất”[3] trên con đường ta đi về với Chúa Kitô. Ngài nhận thấy rằng chính trong gia đình mà con người lần đầu tiên học biết các đức tính. Quả thật, ngài nói gia đình là “trường học dạy con người các đức tính xã hội”[4]. Ngài cũng nói gia đình là “trường đào luyện nhân tính sâu xa”[5], là “trường để sống đời sống xã hội”[6], là “trường dạy học theo Đức Kitô”[7].
Chúng ta nên lưu ý đức Gioan Phaolô II nói gia đình như là một trường học không chỉ của trẻ nhỏ mà còn như là trường học cho cha mẹ. Như ngài nói trong Thư gửi các Gia đình : «Trong khi cha mẹ là thày dạy cho con cái mình biết sống làm người, họ cũng học cách làm người từ chúng»[8]. Thật vậy, chính qua sự tự hiến cho nhau và cho con cái mình và các đôi vợ chồng tăng trưởng về nhân đức và sự thánh thiện.[9]
Trong Familiaris Consortio đức Gioan Phaolô II đề ra bốn bổn phận sau đây của Gia đình:
1. Tạo lập một cộng đoàn các nhân vị;
2. Phục vụ sự sống;
3. Tham dự vào sự phát triển của xã hội;
4. Tham dự vào đời sống và sứ mạng của Giáo hội.[10]
1) Xây dựng một cộng đoàn các nhân vị
Chúng ta đã nói, trong mức độ nào đó, gia đình là một cộng đoàn các nhân vị như thế nào rồi. Có lẽ ở đây ta bàn một chút về vai trò của người phụ nữ trong gia đình, bởi lẽ phụ nữ là người mà đức Gioan Phaolô II gọi là “thiên tài” đặc biệt, đã góp phần độc đáo duy nhất. Trong khi đức Gioan Phaolô II nhận thấy rõ ràng phụ nữ có đầy các khả năng và tài năng như nam giới, và trong khi ngài cổ võ quyền của các chị em được tham gia vào chốn công quyền, ngài cũng than tiếc rằng nền văn hóa hiện nay có xu hướng xem nhẹ công việc vốn rất quan trọng, không thể thay thế và rất cần thiết của những người làm vợ, làm mẹ trong gia đình. Thiên tài của các chị em phụ nữ mà đức giáo hoàng nói là thiên tài gắn liền với khả năng cưu mang con trẻ của nữ giới. Ngài nói về tình yêu của người phụ nữ dành cho đứa con trong dạ là tình yêu động lực cho một thái độ đặc biệt không chỉ dành cho đứa con mình, mà hướng về mọi con người, mọi nhân vị. Ngài nói:
Nói chung người ta thường cho rằng phụ nữ có khả năng quan tâm đến con người khác hơn đàn ông, và khi làm mẹ khuynh hướng này còn được phát triển rõ hơn nữa. Đàn ông – cả khi đã làm cha – luôn luôn “đứng ngoài” tiến trình mang thai và sinh đẻ. Bởi thế, đàn ông phải học bằng mọi cách cách làm cha từ người mẹ.[11]
Đoạn văn này phản ánh một số chủ đề của đức Gioan Phaolô II liên hệ đến phụ nữ. Trong Thư gửi các Phụ nữ, ngài xác định cái “thiên tài” đặc biệt của Phụ nữ là sẵn sàng dấn thân phục vụ tình yêu thương[12]. Trong đoạn văn trên đây, ngài cho rằng sự sẵn sàng ấy bắt nguồn sâu xa từ bản tính làm mẹ của phụ nữ, từ tình thương yêu của họ đối với con mình mở rộng ra cho những người khác. Ngài cũng có ý tưởng rất hay là, qua nhiều cách đàn ông phải học cách làm cha từ bà mẹ. Hơn nữa, ngài nói gánh nặng làm cha mẹ chất lên vai người phụ nữ nhiều hơn và từ đó rút ra một kết luận rằng điều đó tạo ra “một món nợ đặc biệt đối với phụ nữ” và “Không có chương trình nào đấu tranh cho ‘quyền bình đẳng’ của nam nữ là hợp pháp mà không xem xét sự kiện này cách đầy đủ”.
Chúng ta nên nhớ đức giáo hoàng Gioan Phaolô II cho rằng nhân vị được nên hoàn thành ở mức cuối cùng khi biết sống hiến thân. Chúng ta học được ở đây điều này, là bởi tình yêu thương thuộc bản năng tự nhiên mà cha mẹ dành cho con cái vốn rất cần đến họ, thiên nhiên đã đặt trong mẹ cha dòng chảy xuôi của tình thương không vị kỉ, và hiển nhiên tình thương không vị kỉ là điều cốt yếu để có thể biết hiến dâng mình.
Trong Thư gừi các Gia đình, đức Gioan Phaolô II trích lời của Tông đồ Phaolô : “Tôi quì gối trước mặt Chúa Cha, là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất. Tôi nguyện xin Chúa Cha ban cho anh em được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Người, để con người nội tâm của anh em được vững vàng” (Ep 3,14-16). Sau đó, ngài nói «gia đình chính là môi trường nhân bản đầu tiên nơi hình thành ‘con người nội tâm’ mà vị Tông đồ nói. Con người nội tâm được triển nở đầy khí lực và sức sống đó là ân huệ của Chúa Cha, Chúa Con trong Chúa Thánh Thần»[13]. Tư tưởng triết học của Karol Wojtyła nhấn mạnh nhiều đến “chủ thể tính” của nhân vị; đề cao ý thức về mỗi nhân vị là duy nhất, độc đáo, tự xác định mình và là tác nhân có trách nhiệm. Gia đình là nơi đầu tiên để nhân vị bắt đầu phát triển cái ý thức này về bản thân. Sự phát triển này là cốt yếu cho toàn thể nhân vị nở hoa.
2) Phục vụ cho Sự Sống
Bổn phận thứ hai của Gia đình mà đức Gioan Phalô II xác định là “phục vụ sự sống”. Chúng ta đã nói về đặc ân và trách nhiệm rất lớn lao mà những cặp vợ chồng được trao ban, họ trở nên những kẻ đồng-sáng-tạo với Thiên Chúa tạo ra những sự sống con người mới. Tự nó điều này là một yếu tố của phẩm giá con người và là vô giá. Như phần mở đầu của thông điệp Humanae vitae đức Phaolô VI nói “Thiên Chúa đã giao phó cho các cặp vợ chồng một sứ vụ tối quan trọng là chuyển giao sự sống con người”[14] và kèm theo đó là tất cả trách nhiệm làm cha làm mẹ.
Trong Evangelium Vitae đức Gioan Phaolô II bày tỏ sự đáng tiếc vì con người đã đánh mất «cảm thức về mầu nhiệm Thiên Chúa thì cũng mất đi cảm thức mầu nhiệm về thế giới và về chính mình»[15]. Nối tiếp suy tư này, ngài nói rằng mất cảm thức về mầu nhiệm đương nhiên sẽ đưa tới một lối sống theo «chủ nghĩa duy vật thực tiễn, ý thức hệ này nuôi dưỡng não trạng cá nhân chủ nghĩa, duy lợi và chạy theo lạc thú»[16]. Và ngài phát biểu một câu nói thật tuyệt vời «Chính vì thế mà những giá trị về hiện hữu (being) đã bị thay thế bới những giá trị sở hữu (having)»[17]. Gia đình phục vụ sự sống bao hàm việc yêu thương các ngôi vị trước hết, đơn giản chỉ vì các ngôi vị ấy hiện hữu hơn là vì họ có sinh ích gì cho ta. Chính tình yêu tự nhiên ấy trong gia đình cộng với sự quí trọng định mệnh siêu nhiên của mọi linh hồn sẽ giúp ta chống lại các lực lượng của nền Văn hóa Sự Chết.
Gia đình, theo kế hoạch của Thiên Chúa, có nghĩa là «đền thờ của sự sống. Nền văn hóa của chúng ta được mệnh danh là “nền Văn hóa sự Chết” chính bởi vì tội ác chống lại sự sống trong xã hội chúng ta thường xuất hiện ngay từ chính trung tâm điểm của gia đình và với sự đồng lõa của gia đình»[18] Nói thế là vì phá thai là một hành vi do người mẹ (và thường được thúc đẩy thêm bởi người cha khi ông bỏ rơi người mẹ mang thai ấy) và vì nạn trợ giúp cái chết êm dịu cũng thường được thực hiện với sự thỏa thuận của gia đình, do vậy Evangelium Vitae gọi nền văn hóa của chúng ta là “nền văn hóa sự chết”.
Giáo dục giới tính
Trong khi phục vụ sự sống, một trong những bổn phận hàng đầu của gia đình là giáo dục trẻ sự thật về giới tính con người và chuẩn bị cho chúng kĩ lưỡng về hôn nhân. Tòa Thánh Vatican những năm gần đây đã phát hành một số văn kiện nhằm hướng dẫn giáo dục giới tính[19], phù hợp với nguyên tắc bổ trợ (subsidiary), phải tôn trọng nguyên tắc cha mẹ phải là nhà giáo dục đệ nhất và trên hết đối với con cái mình, và giáo dục giới tính phải là giáo dục đức khiết tịnh. Hơn nữa, cha mẹ phải quan tâm đến ba giai đoạn chuẩn bị cho hôn nhân. Chuẩn bị xa tại nhà khi còn nhỏ trẻ con phải được giáo dục qua sự quan sát cha mẹ chúng sống đời vợ chồng với nhau thế nào. Chuẩn bị gần là giáo dục những người trẻ đang lớn học biết về các bí tích và ơn gọi khác nhau. Chuẩn bị trực tiếp là chuẩn bị cho đôi tân hôn trong những tháng hay tuần lễ gần trước lễ cưới để học biết sống đời hôn nhân theo tinh thần kitô giáo. Trong hoàn cảnh xã hội không xuôi gió thuận buồm như hiện nay vốn có khá nhiều gia đình tan nát vì nạn li dị, sự chuẩn bị hôn nhân lại càng quan trọng hơn bao giờ hết, các gia đình còn tương đối yên ổn phải chuẩn bị cho con cái mình vững chãi và tự tin để sau này thành những người lãnh đạo có khả năng giải quyết những vấn đề của thế giới.
3) Tham gia vào sự phát triển xã hội
Lối sống kitô giáo là một lối sống cởi mở với sự sống, không chỉ mở ra với con cái như ân huệ sự sống được ban tặng đến từ tình yêu vợ chồng, mà còn mở ra với mọi sự sống con người. Gia đình là “tế bào đệ nhất và sống động của xã hội”[20] và là “trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội”[21]. Gia đình phải vươn rộng tầm với của mình ra bên ngoài:
Gia đình, tự mình hay trong sự liên kết, có thể và cũng nên dấn thân qua những hoạt động phục vụ, nhất là phục vụ những người nghèo, hoặc trong bất kì trường hợp nào để phục vụ cho lợi ích cho mọi người và hoàn cảnh mà những tổ chức phúc lợi phía chính quyền không thể đến được.[22]
Gia đình được mời gọi hãy có lòng hiếu khách đặc biệt đối với những người nghèo hèn. Gia đình nên «lưu tâm đặc biệt đến những người đói khát, nghèo túng, già yếu, bệnh tật, những nạn nhân nghiện ngập và những vô gia cư»[23].
Gia đình cũng được kêu gọi nỗ lực đấu tranh cho quyền của gia đình. Familiaris Consortio có trình bày một “Hiến Chương về quyền các gia đình”[24]. Ngày nay, trong bối cảnh nhiều lực lượng xã hội và chính trị đang hủy hoại gia đình, đức Gioan Phaolô II thấy khẩn thiết phải xin các gia đình hãy sống đặc sủng duy nhất về gia đình của mình, và đấu tranh xây dựng các xã hội và chính quyền ủng hộ gia đình.
4) Tham dự vào đời sống và sứ vụ của Hội thánh
Bổn phận thứ tư của gia đình thuộc về chiều kích gia đình như Hội thánh tại gia.
Như một cộng đoàn yêu thương, gia đình tham dự vào sứ vụ tiên tri, tư tế, và vương đế của Đức Kitô.[25]
Gia đình tham dự vào sứ vụ tiên tri bằng cách biến mình thành ngôi trường Loan báo Tin mừng. Cha mẹ phải học hỏi để tri thức đức tin tăng trưởng hầu dạy dỗ giáo lí đức tin cho con cái. Gia đình cũng để đời sống bên trong của mình được linh hoạt bởi một lòng nhiệt thành truyền giáo hướng tới loan báo Tin mừng cho những người chưa biết Chúa.[26]
Gia đình tham dự vào sứ vụ tư tế của Đức Kitô bằng cách giúp đỡ các thành viên của mình đáp lại tiếng gọi phổ quát nên thánh[27]. Gia đình cần được nuôi dưỡng và phát triển lòng tôn sùng bí tích Thánh Thể, tham dự thường xuyên và sống bí tích Hòa giải cũng như kinh nguyện gia đình hằng ngày. Khi giải thích về cầu nguyện trong Thư gửi các Gia đình, đức Gioan Phaolô II trở về với mối bận tâm về phát triển con người nội tâm. Ngài nói «thật là ý nghĩa, nhờ cầu nguyện và trong cầu nguyện người ta đi đến chỗ khám phá chính bản thân mình (chủ thể tính) một cách thật đơn sơ nhưng sâu sắc: trong cầu nguyện bản ngã con người (cái tôi) nhận thức mình thế nào là một ngã vị ở chiều sâu. Điều này cũng đúng đối với gia đình, vốn không chỉ là một ‘tế bào’ cơ sở của xã hội, nhưng còn khám phá mình là một chủ thể riêng biệt»[28]. Điều hấp dẫn là đức giáo hoàng nói chủ thể tính riêng của gia đình được hoàn thành nhờ cầu nguyện. Ý ngài muốn nói là Gia đình cảm nhận được căn tính của chính mình, ý thức được sự duy nhất của mình, phúc lành mình có do Chúa ban cho nhờ gia đình cầu nguyện. Cũng như một ngôi vị cá nhân cảm nhận được mình được Thiên Chúa yêu thương và được gọi cách riêng độc đáo đặc biệt, cũng thế Gia đình trong tư cách như một đơn vị cũng cảm nhận được như thế.
Gia đình tham dự vào sứ vụ vương đế của Đức Kitô bằng cách ra sức làm việc để Nước Chúa trị đến qua đời sống phục vụ, nhờ đem tình yêu thương gia đình đến cho mọi người nhất là những người nghèo khổ và xây dựng sự công chính.
Kết
Như chúng ta có thể nhận thấy triết học của đức Gioan Phaolô II và quan niệm về gia đình của ngài phát sinh từ cũng như liên tục trở về với khái niệm về nhân vị của ngài. Xét cho cùng, hoàn thành nhân vị mình cách đầy đủ có nghĩa là trở nên giống như (hay đồng hình đồng dạng với) Đức Kitô, vì “Đức Kitô mạc khải con người cho chính nó”. Chính bởi vì nó là cộng đoàn các ngôi vị, một cộng đoàn của sự sống và tình yêu, mà Gia đình là một “trường học học bước theo Đức Kitô”.
Đức Gioan Phaolô II nhận thấy thời đại ngày nay như thể bị ám ảnh bởi giá trị của cá nhân (individual) và của quyền của cá nhân (individual rights) và là một thời đại mà trong đó những quyền ấy vươn rộng ra chiếm ưu thế trên cả sự sống và sự chết. Ngài cho rằng vị thuốc giải độc cho hoàn cảnh này là nhấn mạnh đến phẩm giá của nhân vị được tạo dựng theo hình ảnh giống như Thiên Chúa, và đề cao giá trị của hôn nhân như biểu trưng của mối quan hệ của Đức Kitô và Hội Thánh của Người, và đề cao giá trị của Gia đình nhân văn như là hình ảnh của Ba Ngôi và Thánh Gia. Có thể nói không quá đáng đó là những chủ đề của triều đại Giáo hoàng Gioan Phaolô II.
Louis Nguyễn Anh Tuấn
THƯ MỤC
1. Giovanni Paolo II, Uomo e Donna lo creò – catechesi sull’amore (Thần học về thân xác), Città Nuova Editrice/ Libreria Editrice Vaticana, Roma 2001
5. Gioan Phaolô II, th. Familiaris Consortio (22/11/1981)
6. Gioan Phaolô II, Tông Thư Mulieris dignitatem (15/08/1988)
2. Gioan Phaolô II, tđ. Veritatis splendor (06/08/1993)
3. Gioan Phaolô II, tđ. Evangelium Vitae (25/03/1995)
4. Gioan Phaolô II, Thư gửi các gia đình (Gratissimam Sane) (02/02/1994)
7. Gioan Phaolô II, Thư gửi các Phụ nữ (29/06/1995)
8. Phaolô VI, tđ. Humanae Vitae (25/07/1968)
9. Karol Wojtyła, Persona e Atto, in Metafisica della Persona – Tutte le Opere filosofiche e saggi integrativi (a cura di Giovanni Reale e Tadeusz Styczeń), Bompiani Il Pensiero Occidentale, Milano 2003
10. Karol Wojtyła, Amore e Responsabilità – morale sessuale e vita interpersonale, in Metafisica della Persona – Tutte le Opere filosofiche e saggi integrativi (a cura di Giovanni Reale e Tadeusz Styczeń), Bompiani Il Pensiero Occidentale, Milano 2003
11. Congregation for the Doctrine of the Faith, Declaration on Certain Questions Concerning Sexual Ethics, The Human Person, 29th. December, 1975
12. Congregation for Catholic Education: A Guide to Formation in Priestly Celibacy, 11th. April, 1974
13. Congregation for Catholic Education, Educational Guidance in Human Love – Outlines for sex education, 1st. November, 1983
14. Aristotele, Etica Nicomachea, (a cura di Claudio Mazzarelli), Bompiani Testi A Fronte, Milano 2001.
15. Tôma Aquinô, Summa Theologica II
16. http://usccb.org/prolife/programs/rlp/00rlgle.shtml: Family and Society: International Organizations and the Defense of theFfamilyby Mary Ann Glendon.
---------------------------------------------------------------------
[1] Giovanni Paolo II, Uomo e Donna lo creò – catechesi sull’amore (Thần học về thân xác), Città Nuova Editrice/ Libreria Editrice Vaticana, Roma 2001, 91.
[2] Giovanni Paolo II, Uomo e Donna ...,, 59
[3] Thư gửi các gia đình, 2.
[4] FC 42.
[5] FC 21.
[6] FC 13.
[7] FC 39.
[8] Thư gửi các gia đình,16
[9] FC 34.
[10] FC 17.
[11] Gioan Phaolô II, Tông Thư Mulieris dignitatem (15/08/1988), 18.
[12] X. Gioan Phaolô II, Thư gửi các Phụ nữ (29/06/1995), 10.
[13] Thư gửi các Gia đình, 23.
[14] Phaolô VI, tđ. Humanae Vitae (25/07/1968), 1.
[15] EV, 22.
[16] op. cit.,23.
[17] ibid.
[18] op. cit., 11.
[19] Bộ Giáo Dục Công Giáo, Educational Guidance in Human Love – Outlines for sex education
[20] FC , 42.
[21] FC , 36.
[22] FC , 44.
[23] FC , 47
[24] FC, 46.
[25] FC , 50.
[26] FC , 54.
[27] FC , 56.
[28] Thư gửi các Gia đình, 4.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét