Tính Luân Lý Của Việc Tạo Sinh (Phần IV)

Chương II (Tiếp Theo) II. Truyền Thống Giáo Hội

Trong Truyền Thống Giáo Hội, các Giáo Phụ đề cập nhiều về vấn đề phá thai. Còn vấn đề tạo sinh nhân tạo, như đã có lần nói trên đây, là một vấn đề rất là mới mẽ. Nó chỉ mới nảy sinh ra trong những thập niên gần đây, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật cũng như nghành sinh – y học. Do đó, trong Truyền thống Giáo Hội, các Giáo Phụ chưa phải đối diện với vấn đề này. Tuy nhiên, chúng ta cũng tìm thấy một vài lời dạy chỉ dẫn quan trọng liên quan đến vấn đề. Từ những buổi đầu, Truyền Thống sống động của Giáo Hội đã nhắc lại một cách dứt khoát giới răn “ngươi không được giết người”, như quyển Didachè, tác phẩm Ki-tô giáo ngoài bộ Kinh Thánh cổ xưa nhất, đã chứng tỏ điều ấy rằng: “Có hai con đường, một con đường của sự sống, một con đường của sự chết, nhưng sự khác nhau giữa hai con đường này rất lớn […}. Giới răn thứ hai của đạo lý: Ngươi chớ giết người […}, ngươi chớ giết con bởi phá thai và ngươi sẽ không được làm cho nó chết sau khi nó sinh ra […}.
Còn đây là con đường của sự chết: nhẫn tâm đối với người nghèo, dửng dưng đối với người đau khổ, không biết đến Ðấng Tạo Hóa của mình, những điều đó làm thất bại công trình của Thiên Chúa… đó là những kẻ tội lỗi thâm canh cố đế. Ước gì các con có thể tránh xa tất cả những điều ấy”. Cũng từ thế kỷ thứ nhất, Giáo Hội đã khẳng định sự xấu xa về luân lý đối với bất cứ hình thức hủy diệt sự sống nào: “Ngươi không được giết phôi thai bằng việc làm sẩy thai và ngươi không được hủy hoại kẻ sơ sinh”. Giáo Phụ Tertuliano (thế kỷ II) đã khẳng định: “Chỉ cần cản trở sinh ra thì đã là kẻ giết người rồi, người ta tước đoạt sự sống đã sinh ra hay là người ta hủy diệt nó trong lúc nó sinh ra thì không có gì khác biệt nhau cả. Cái phải trở thành một con người thì đó là một con người rồi”. Năm 195, Clément thành Alexandria đã nói: “Do thiết chế, Thiên Chúa đã làm ra liên quan đến việc sinh sản của nhân loại, tinh trùng không được xuất ra một cách vô hiệu năng, cũng không được làm cho nó hư đi, cũng không được lãng phí” Năm 419, trong khoảng thời gian chưa thoát hẳn ảnh hưởng của thuyết nhị nguyên, thánh Augustinô đã tuyên bố: “Sẽ là một niềm vui lớn lao nếu vợ chồng có thể có con cái mà không cần sống chung”. Chắc chắn là ngài không thể thấy trước được rằng khoa học kỹ thuật về sau có thể “sao chép” một con người mà không hoạt động giới tính. Nhưng, theo ngài, con người không được tự do xâm phạm sự sống. Ngài nói: “Tự do đầu tiên là không phạm tội ác… như giết người… và mọi hình thức thuộc loại đó”. Sách Ngụy Thư của Barnabas nói rằng: “Bào thai được coi như người đồng loại. Bởi thế, bất cứ sự tấn công trực tiếp nào đối với sự sống của nó, thì đó là tấn công Thiên Chúa, Ðấng đã tạo dựng và yêu thương nó. Ngươi phải yêu thương đồng loại như chính bản thân ngươi. Ngươi sẽ không được giết đứa trẻ…”. Thánh Tomas Aquinô (1225 – 1274) đã viết trong “Tổng Luận Thần Học Chống Kẻ Ngoại”, rằng: “Thiên Chúa chăm sóc mọi sự để mang đến sự tốt lành. Vậy, mọi sự tốt lành hệ tại ở việc đạt được mục đích riêng của nó. Sự dữ lấy đi khỏi mục đích chính đáng ấy. Ðiều này tốt cho cả hai toàn phần hay từng phần, để rồi mỗi phần của con người và mọi hành vi của nó phải đạt tới mục đích chính đáng. Vậy, tinh trùng của người nam, dù nó rất phong phú nơi mỗi cá nhân, thì nó cũng rất cần thiết để duy trì nòi giống… Vì thế, sự gieo tinh trùng phải mang theo hậu quả mang thai và sinh con. Thật rõ ràng rằng sự gieo tinh trùng trong cách thế ấy nếu không có ý mang đến hậu quả là nghịch với sự thiện ích con người. Và nếu có ý làm như vậy thì mắc tội. Ðây có ý nói tới cách thức mà không thể có sự truyền sinh như sự gieo tinh trùng không theo cách thức vợ chồng ăn ở tự nhiên. Trái lại, ăn ở bình thường mà không có sự truyền sinh do khuyết tật thì không nghịch với tự nhiên và cũng không mắc tội. Thí dụ người vợ son sẻ…”. Thánh Francis de Sales (1567 – 1622) đã viết: “Những quan hệ vợ chồng thì rất thánh thiện đến nỗi rất khuyên làm để mưu ích chung. Tuy nhiên, nếu xâm phạm đến trật tự đã lập để sinh con thì mắc tội rất nặng. Trong trường hợp đó, tội luôn luôn là nặng và đáng ghét tùy theo mức độ lệch ra khỏi trật tự này…”. III. Quan Ðiểm của các Thần Học Gia và Học Giả 1. Ðối với vấn đề thụ tinh nhân tạo a) Ðối với việc thụ tinh cùng nguồn (AIH) Theo thần học gia B. Haring, “trong tình trạng vấn đề hiện nay, xem ra một cặp vợ chồng ước muốn có con và thực sự thấy rằng phương pháp thụ tinh có trong giúp không được như ý, sẽ không làm điều gi sai khi nhờ đến AIH”. Theo linh mục Th. Rey-Mermet, DCCT, thì: “Sự thụ tinh nhân tạo được gọi là đồng nhất khi tinh trùng được lấy từ người chồng, khi ấy đứa bé hoàn toàn là con của đôi vợ chồng. Em có dồi dào “gien” như những đứa bé khác, nghĩa là có những đặc tính di truyền của hai cha mẹ em. Ngày nay, các luân lý gia đồng ý bào chữa việc thụ tinh nhân tạo đồng nhất, trong trường hợp cần thiết, nghĩa là bằng tinh trùng của người chồng để tránh cho đôi vợ chồng yêu thương nhau không đau khổ vì không có con. Sự can thiệp y học này hẳn không phải là một sự giao hợp âu yếm giữa vợ chồng, tuy thế, nó vẫn là hoàn toàn tình yêu cho tất cả mọi người trong cuộc, kể cả đứa con sắp sinh ra? Vậy thì nó phù hợp cách tuyệt vời với bản tính nhân loại và do đó cũng phù hợp với luật tự nhiên”. Trong chiều hướng đó, theo Karl H. Peschke, các phương pháp giúp cho việc thụ tinh được dễ dàng hơn đó là dùng một cái muỗng để đưa tinh trùng vào cửa mình, hoặc dùng một ống tiêm trong đó có đưa tinh dịch của người chồng, sau một lần giao hợp bình thương giữa hai người, để đưa vào âm đạo của người vợ, thì được phép sử dụng các phương pháp này. Vấn đề đặt ra là cách thức lấy tinh dịch từ người chồng để cho thụ tinh nơi người vợ qua việc thủ dâm, giao hợp nửa chừng hay giao hợp với bao cao su. Các phương pháp này đã bị Huấn Quyền Giáo Hội (Ðức Pi-ô XII) lên án, vì chúng cung cấp tinh dịch từ những hành vi ngược tự nhiên. Tuy nhiên, về mặt thực tiễn, thủ dâm là phương cách dễ dàng và an toàn nhất để cung cấp tinh dịch cần thiết. Do đó, theo Linh Mục Mark, CMC, “thủ dâm để lấy tinh dịch coi như thiếu trật tự liên kết hành vi vợ chồng trong hôn nhân. Tuy nhiên, nó hợp pháp khi không chủ ý tách rời, nhưng vì chủ ý giúp việc thụ thai đạt được tiến trình tự nhiên”. Theo cha Rey-Mermet, thì: “Việc thủ dâm cần thiết trong trường hơp này thì không phải là một “tật xấu làm một mình”: nó là quan hệ yêu đương với người vợ, là quan hệ dâng hiến và sáng tạo sự sống; nó dẫn vào một “toàn thể” là trật tự giới tính bình thường của con người. Ngày nay, các nhà thần học có vẻ không lên án việc thủ dâm này. Ý muốn có tính liên hệ và sáng tạo chắc chắn hiện diện trong việc làm này hơn là trong nhiều cuộc giao hợp thân xác “bình thường”. Và ai là người được mong mỏi hơn là đứa trẻ sắp sinh ra?”. Bởi vậy, Karl H. Peschke nói rằng: “Chức năng sinh sản của hành vi tính dục ở đây không hề bị phá hỏng, mà còn được hỗ trợ là khác. Mục đích trực tiếp của việc thụ tinh này là thụ thai. Bao lâu vợ chồng còn muốn có con vì tình yêu giữa hai người, thì hành vi tính dục ấy vẫn còn đầy đủ ý nghĩa, nó là sự biểu hiện của tình yêu ấy. Hiểu như thế, hẳn vợ chồng sẽ đánh giá tốt việc thụ tinh này. Hai mục tiêu của tính dục đã được bảo đảm trong việc thụ tinh cùng nguồn. Mới nhìn qua, cung cấp tinh dịch như thế không khác lắm với việc thủ dâm hay làm như Onan. Thế nhưng, nó hoàn toàn khác hẳn. Ðây chính là lý do giải thích tại sao có sự hiểu lầm khi đánh giá việc thụ tinh này”. Và cuối cùng, cha B. Haring, DCCT, đã khẳng định: “Không có lập luận mạnh mẽ nào chứng tỏ sự xuất tinh của người chồng để có con hay việc đưa tinh trùng vào tử cung của người vợ là vô luân”. Ðó cũng là ý kiến của các nhà thần học như: Rodrer Van Allen, F. Podimattam, George V. Lobo, A. Regan… b) Ðối với việc thụ tinh khác nguồn (AID) Vấn đề thụ tinh nhân tạo với tinh trùng của một người hiến vô danh, dù ngoài hôn nhân hay trong hôn nhân, đều bị coi là vô luân. Các nhà thần học luân lý Công Giáo đều nhất trí với kết luận này. Cha B. Haring nói rằng: “Việc mua tinh trùng ở một ngân hàng tinh trùng để cho thụ tinh nhân tạo là một việc trái luân lý, không những vì đứa bé có cha vô danh và nguy cơ đồng huyết, nhưng cũng bởi vì nó tách biệt hẳn mục đích hoà hợp và sinh sản của hôn nhân. AID còn có thể gây nhiều xáo trộn cho các mối tương quan trong gia đình, đặc biệt về phía người mẹ”. Kark H. Peschke cũng khẳng định rõ về việc thụ tinh khác nguồn thì bất hợp pháp. Theo ông, đứa con được thụ thai trong trường hợp đó là con bất hợp pháp và nếu sinh ra do một người đã kết hôn, thì đó là con ngoại tình. Tất cả những lý do nào đã được đưa ra để chống lại việc sinh con bất hợp pháp và ngoại tình đều có thể áp dụng ở đây, chống lại việc thụ tinh khác nguồn. Chỉ có hôn nhân mới bảo vệ được phẩm giá người phụ nữ, mà theo sự thường phải trở thành một người mẹ. Cũng vậy, chỉ có hôn nhân mới tạo điều kiện đủ để cho con cái được an sinh và giáo dục. Ðối với người cha hợp pháp, người con ấy chỉ là con ghẻ, đôi khi còn tệ hơn nữa. Ðứa con ấy sẽ là lời nhắc nhở thường xuyên về sự bất lực của người cha ấy, một lời nhắc nhở làm ông cảm thấy nhục nhã. Còn đối với người mẹ, đứa con ấy sẽ không đem lại niềm vui. Bà cảm thấy người cha của đứa con ấy là một người hoàn toàn xa lạ đồi với mình. Ðứa con sinh ra do người khác cho hầu chắc sẽ trở thành nguồn nhục mạ, ghen tuông và lo lắng. Theo thần học gia Gregory C. Higgins, đối với phương pháp AID, nhiều nhà thần học luân lý e ngại rằng trong trường hợp của một cặp vợ chồng, việc đưa tinh dịch của đệ tam nhân vào hoạt động thụ thai của vợ chồng thì đã phạm đến luật hôn nhân. Trong trường hợp của người phụ nữ độc thân, các nhà phê bình cáo buộc rằng thật là bất công khi đứa trẻ được sinh ra mà nó không có quyền biết ai là cha của nó. Về mặt thực tế, đứa trẻ mang nhiều mối bất lợi khi không có những thông tin liên quan đến những nguồn bệnh-sử, điều này có thể rất quan trọng trong cuộc đời sau này của chúng. Các nhà luân lý cũng rất lo lắnng về những hoạt động của việc hiến tinh: Việc hiến tinh hoặc việc bán tinh trùng thường sinh ra một đứa trẻ mà người ta sẽ không bao giờ biết đứa con đó có hợp với đạo đức hay không? Một nhận định cuối cùng có thể tác động đến nhiều người ra như thể hoàn toàn khó tin, ngoại trừ trường hợp đã xảy ra rồi. Một người hiến tinh có thể thực sự là người cha của rất nhiều đứa con cùng huyết thống với ông. Trong một trường hợp nổi tiếng, một bác sĩ chuyên thụ tinh nhân tạo đã dùng chính tinh trùng của ông để cấy vào bệnh nhân của ông. Ðiều này có thể sinh ra nhiều trường hợp anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha sau này cưới nhau mà không biết. Cha Th. Rey-Mermet, DCCT, cũng nói về việc thụ tinh khác nguồn rằng: “Ðứng về mặt di truyền thì kết quả của thao tác này sẽ là một đứa con ngoại hôn, nó là con của người vợ chứ không phải là của người chồng… Vấn đề căn bản là bình diện luân lý, làm sao có thể chấp nhận sự nắn lại những quan niệm – và những thực tại- về giới tính, về hôn nhân, về quan hệ cha, mẹ, con cái, về quan hệ bà con, về gia đình? Bán và mua tinh trùng nhân loại như bán và mua hạt giống rau cải hay bông hoa… như thế là quên rằng con người là một nhân vị, là quên rằng không xã hội nào có thể để hôn nhân và việc sinh sản theo tuỳ tiện của những tư nhân. Ðối với người tín hữu, những điều này là công việc trực tiếp của Thiên Chúa: Con người không có quyền hành gì để thay đổi nó. Còn cái gọi là quyền của những bà goá, của những người độc thân và những người không sinh sản được, thì quyền ấy đã bị huỷ bỏ bởi quyền đầu tiên của đứa trẻ là được sinh ra trong một gia đinh thật sự của một cặp vợ chồng”. Thật vậy, bằng cách thụ tinh nhân tạo này, chấm dứt ý nghĩa hôn nhân trong đó hai người trở nên một xương một thịt. Hai người không còn định liệu số con theo ý muốn. Phương tiện kỹ thuật tấn công thẳng vào trật tự do Thiên Chúa tác thành cho hôn nhân và vào chính phẩm chất của con người trong tình yêu hôn nhân. 2. Ðối với việc thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) Về phương pháp IVF, không phải tất cả các bệnh viện đều thực hiện phương pháp IVF để làm đông lạnh các phôi thai; một số bệnh viện chỉ thực hiện việc thụ thai ở một số trứng, đồng thời đưa tất cả các trứng được thụ tinh vào cơ thể người phụ nữ, nhiều người lo ngại về tiến trình này có thể nảy sinh ra lắm vấn đề. Trước tiên, quá trình làm tan lạnh có thể gây ra nhiều hiểm hoạ: có từ 30% đến 40% trứng không thể sống sót nổi. Liệu điều kiện bất thường như thế có làm cho việc đông lạnh những trứng đã thụ tinh rồi trở thành hành vi vô luân hay không? Thứ đến, giả sử hai trong ba trứng đậu thai và người đàn bà sinh ra được hai đứa con mạnh khoẻ, sau đó vợ chồng họ không muốn sinh con nữa. Vậy, điều gì sẽ xảy đến cho hai trứng đông lạnh đã được thụ tinh rồi? Nó có thể được dùng để nghiên cứu hay không? Nó có thể bị phá huỷ hay không? Ðiều này đặt ra nhiều vấn đề về tình trạng của những phôi thai đông lạnh mà người ta thấy có một mối liên hệ trực tiếp giữa những cuộc tranh luận về các kỹ thuật truyền sinh với vấn đề phá thai. Theo cha B. Haring, DCCT. ý nghĩa của việc thụ tinh trong ống nghiệm có thể rất khác biệt nếu trong một trường hợp được thực hiện vì mục tiêu nghiên cứu với ý định sẽ loại bỏ phôi thai và một giai đoạn nhất định của cuộc thí nghiệm, và trong trường hợp khác, được thực hiện để trợ giúp các đôi vợ chồng muốn có con và với ý đinh cấy trứng thụ tinh vào dạ mẹ ở giai đoạn sớm nhất có thể. Các nhà khoa học biện minh cho các cuộc thí nghiệm như vật với lý do sẽ giúp khoa phôi thai học tiến bộ và qua đó phục vụ sự sống con người. Tuy nhiên, những hy vọng về những lợi ích y khoa về sau không bù đắp được những xâm phạm kinh khủng đối với mạng sống con người. Thụ tinh trong ống nghiệm với ý định cấy trứng đã thụ tinh vào tử cung người mẹ có thể được xét theo một nguyên tắc như đối với thụ tinh nhân tạo với tinh trùng của người chồng. Tuy nhiên, khả năng sống còn và phát triển bình thường của trứng được thụ tinh cho đến nay vẫn còn rất mong manh và tỷ lệ thành công rất thấp. Vì thế, rất khó tán đồng. Theo cha Th. Rey-Mermet, DCCT. sự mong muốn có con là sự ước muốn rất chính đáng của kẻ làm cha mẹ. Tuy tỷ lệ thất bại còn rất cao, những thao tác trên trứng con người cũng có lý do chính đáng để thực hiện trong mức độ nó được dùng để phục vụ sự sống và tình yêu giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái, với điều kiện là những thao tác này không biến thành những cuộc thí nghiệm và coi bào thai chỉ là một chất liệu của phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, nó cũng dễ đưa tới những lạm dụng không thể tha thứ được. Những trứng đã có được bằng thụ tinh trong ống nghiệm có thể đem cất trong các ngân hàng hay cấy lại vào những người đàn bà khác mà không phải là người mẹ; hoặc là các trứng ấy được cắt ra làm đôi hầu có thể có những cặp sinh đôi, mà người ta có thể làm cho sinh ra cách khoảng nhau 5 hay 10 năm. Phải ngăn chặn ngay những hành động thí nghiệm đó, bởi vì, đó là một dạng khoa học vô lương tâm. Quả vậy, như William E. May đã nói: “Việc tạo ra phôi thai người trong ống nghiệm như một sự nghiên cứu là việc làm hoàn toàn phi luân”. Nguồn ngọn của một con người – giây phút ban đầu của việc người ấy hiện hữu phải là hoa trái của một hành vi do tình yêu của cha mẹ thúc đẩy. Ðứa con sinh ra không thể được thụ tinh như là một sản phẩm do việc can thiêp của các kỹ thuật y học và sinh học mà ra. Không ai được đặt việc ra đời của một đứa bé vào những điều kiện của tính hữu hiệu kỹ thuật được đó lường bằng những thông số kiểm tra và chế ngự. Việc thụ tinh trong ống nghiệm là một việc làm mất đi cá tính người. Trong khi mà tình yêu phải được biểu lộ qua thân xác và sự sống chớm nở từ thân xác với bất cứ giá nào, thân xác vẫn phải là nơi diễn ra sự thụ tinh. Bảo đảm nằm ở đó rằng sự sống ở bước đầu của nó không được giao cho ai khác ngoài cha mẹ. Mặt khác, việc thụ tinh và nuôi bào thai trong ống nghiệm là không hợp pháp, khi chỉ sản xuất ra những bào thai con người như những “sinh thể vật chất”, đồng thời chủ ý diệt phôi thai trong ống nghiệm chỉ vì mục đích nghiên cứu và các phương pháp thử nghiệm tác hại đến bào thai trong ống nghiệm. 3. Ðối với vấn đề tạo sinh dòng vô tính (Cloning) Giáo sư Jean Fz. Mattei, một nhà di truyền học thuộc Ủy Ban Ðạo Ðức Học của Pháp, đã nói lên quan điểm của mình về tạo sinh dòng vô tính rằng: “Ðiều cần làm ngay là ngăn chặn những nguy cơ lạm dụng công nghệ. Nhân bản ra hàng loạt hoàn toàn trái với quan niệm của tôi và vấn đề nhân cách”. Ðức Tổng Giám Mục Renato Martino, quan sát viên thường trực của Ðức Gio-an Phao-lô II, tại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc, đã nói rằng: “Những đứa trẻ được tạo nên bằng dòng vô tính sẽ có một cuộc sống bất thường trong liên hệ với cha mẹ và thân thuộc, vì hành động định trước đồng thời có chủ tâm và độc đoán liên hệ đến thân xác của chúng. Những hậu quả về phương diện đạo đức và pháp lý do hành động ấy mang lại làm cho tương lai của nhân loại ra ô nhiễm và mất đi tính cách thánh thiện của nó. Mặt khác, việc tạo sinh như vậy loại bỏ tình nghĩa giữa cha mẹ và con cái, là một sự thụ thai vô tính (asexual) và vô giao (agamic), do dó, thiếu sự kết hợp giữa con người và giao tử (gamete)”. Tuy nhiên, có những người nghĩ rằng tạo sinh dòng vô tính với mục đích điều trị thật ra không phải là sinh sản vô tính. Ðiều đó có nghĩa là họ tin rằng sản sinh vô tính mô tế bào (tissues) không phải là sản sinh vô tính tế bào và do đó, không phải thật là sản sinh vô tính con người. Hiểu như thế là sai lầm. Không thể sản sinh vô tính tế bào mà không sản sinh vô tính một bào thai, nghĩa là không tiêu huỷ bào thai. Dĩ nhiên, không ai có thể hy sinh một mạng người để thử nghiệm. Ðức Hồng Y Murphy – O’ Connor, thuộc giáo phận Westminster tại Anh quốc, đã nói trong bài phản đối dự luật của chính phủ Anh về sinh sản vô tính như sau: “Sinh sản vô tính tạo ra sự sống con người- một phôi thai – được cấy vào tử cung người phụ nữ, sẽ phát triển thành một em bé. Nó là cách mới để tạo con người mà tách biệt cách hoàn toàn và tận sâu thẳm khỏi hành vi yêu thương của con người. Một đứa bé do sinh sản vô tính không có cha và không cần tinh trùng trong cuộc sinh này và mẹ nó thì bị giản lược thành một người cung cấp trứng đơn thuần… chấp nhận kiểu sinh sản vô tính con người mà không có yếu tố di truyền từ cha mẹ là một kiểu mới kèm theo những hệ luỵ xã hội lâu dài và những nan giải về đạo đức. Việc sinh sản vô tính như là việc lao đầu theo một luân lý liều lĩnh”. Christian Much, cố vấn pháp luật của Liên Hiệp Quốc, đã nói rằng: “Trên bình diện luân lý, Ki-tô giáo, Hồi giáo và tất cả mọi tôn giáo đều xem việc nhân bản vô tính là một sự xâm phạm đến quyền năng sáng tạo của Thượng Ðế”. Kinh nghiệm của các nhà khoa học trong việc thí nghiệm với loài vật cho thấy hiện rõ ràng có nguy trầm trọng tạo nên những cá nhân tàn tật bất toàn nếu cấy bào thai do sinh sản vô tính vào trong lòng bà mẹ cho phát triển. Tiến trình thụ thai theo dòng sinh vô tính thì thực là niềm mong đợi không thực tế chút nào. Thành quả của tạo sinh vô tính không bao giờ có thể thay thế con người được cưu mang trong tình yêu hôn nhân tự nhiên được cả. Những con người do tạo sinh vô tính, xét về thể lý, có thể rất giống với bản mẫu, thế nhưng hai con người này sẽ khác biệt ít nhất là không như hai người sinh đôi đồng dạng trên bình diện cá tính và những đặc tính về tâm thần. Giáo sư Jacques Testard, giám đốc nghiên cứu của INSERM (Viện Quốc Gia Về Sức Khoẻ Và Nghiên Cứu Y Học của Pháp), người đã cho ra đời đứa bé đầu tiên được thụ tinh trong ống nghiệm tại Pháp, đã nói rằng: “Ðứng trên quan điểm đạo đức, sinh sản vô tính một con người hiện nay là điều không thể chấp nhận. Không chỉ biến phụ nữ thành công cụ mà họ còn phải chịu những nguy hiểm không lường trước và cả cho ra đời những đứa trẻ dị tật. Tỷ lệ thất bại, như đã được thừa nhận trong khuôn khổ nghiên cứu trên loài vật, cũng là con số không thể chấp nhận. Có thể nơi đứa bé đầu tiên, người ta không nhận thấy có gì bất thường. Nhưng những đứa bé “không hoàn chỉnh” sau đó sẽ bị ném vào giỏ rác chăng?” Thần học gia Bernard Haring, DCCT, nhấn mạnh rằng: “Tôi hy vọng rằng người ta sẽ không bao giờ thực hiện việc sinh sản vô tính nơi con người. Xét về mặt sinh học, nó sẽ làm giảm sự đa dạng sinh học cần thiết để duy trì nòi giống. goài những thiệt hại hiển nhiên thấy được trên bình diện sinh học, xét về mặt luân lý, nó sẽ còn gây thiệt hại lớn lao cho các đứa bé sẽ ra đời. Mỗi con người đều được Thiên Chúa ban cho cái quyền có một gia đinh là thành phần của lịch sử nhân loại, trong đó, sự sống được lưu truyền nhờ vào tình yêu của cha mẹ. Những đứa trẻ do sinh sản vô tính tạo ra sẽ là những đứa trẻ mồ côi được định trước. Ðứa bé không thể chỉ là bản sao của một người cha mẹ có óc chiếm hữu. Một xã hội không cha hay không mẹ hẳn sẽ chẳng có sự phong phú và đa dạng mà Ðấng Tạo Hoá đã muốn ban cho nhân loại”.

Phó Tế Nguyễn Văn Tâm, DCCT

Nguồn: catholic.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét