Tính Luân Lý Của Việc Tạo Sinh (Phần III)

Chương II: Tính Luân Lý Trong Việc Tạo Sinh

I. Mặc Khải Kinh Thánh

1. Chính Thiên Chúa tạo thành sự sống con người
Kinh Thánh mặc khải cho chúng ta thấy sự sống con người do chính Thiên Chúa tạo thành. Thật vậy, những trang đầu của Sách Sáng Thế đã ghi lại rằng: “Thiên Chúa phán: chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta… Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1, 26 – 27). Kinh Thánh còn cho thấy: “Ðức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nắn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở nên một sinh vật…” (St 2, 7). Ở một chỗ khác, Kinh Thánh còn nói: “Này Thiên Chúa sáng tạo con người, Chúa làm ra con người giống như Thiên Chúa. Chúa sáng tạo con người có nam có nữ, Chúa ban phúc lành cho họ và đặt tên cho họ là “người” ngày họ được sáng tạo” (St 5, 1 – 2).


Sách Khôn Ngoan cũng khẳng định sự sống mà Thiên Chúa ban cho con người thì vượt trên cuộc hiện hữu trong thời gian: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong. Quả thế, Thiên Chúa đã sáng tạo con người cho họ được trường tồn bất diệt. Họ được Người dựng nên làm hình ảnh của bản tính Người” (Kn 1, 13; 2, 23). Bởi vậy, tác giả sách Khôn Ngoan đã ca ngợi sự khôn ngoan của Thiên Chúa: “Lạy Thượng Ðế của bậc tổ tiên, lạy Ðức Chúa từ bi lân tuất, Chúa đã dùng lời Chúa mà tác thành vạn vật và dùng sự khôn ngoan của Chúa mà cấu tạo con người để con người làm chủ mọi loài Chúa dựng nên” (Kn 9, 1 – 3).

Các ngôn sứ cũng xác tín sự sống con người bắt nguồn từ Thiên Chúa, Ðấng tạo thành. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a nói rằng: “Có lời Ðức Chúa phán với tôi rằng: trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi, trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi” (Gr 1, 5).

Ngôn sứ I-sai-a cũng xác tín rằng: “Ðức Chúa, Ðấng đã nắn ra ngươi từ khi ngươi còn trong lòng mẹ” (Is 44, 24) và “chính Ta đã làm ra trái đất và trên trái đất, đã dựng nên con người” (Is 45, 12).

Sách Giảng Viên cũng nói khi Thiên Chúa dựng nên con người, “Ngài mặc cho nó bộ áo sức mạnh và dựng nên họ theo hình ảnh Ngài” (Hc 17, 3). Và đến lượt những người tin xác tín Thiên Chúa là Ðấng tạo dựng nên loài người và ban cho con người tinh thần và sự sống (x. 2 Mcb 7, 22 – 32). Ông Gióp nói: “Tay Ngài đã nắn và tạo nên tôi… xin hãy nhớ, Ngài đã dựng nên tôi từ đất sét… Ngài đã chẳng lấy da thịt mặc cho tôi và dệt nên tôi bằng gân cốt sao? Ngài đã cho tôi sự sống và máu nóng, và ân cần săn sóc hơi thở tôi” (G 10, 8 – 12).

Sau nữa, các âm điệu ngạc nhiên và tuyên xưng sự can thiệp của Thiên Chúa và sự sống đang thành hình trong lòng mẹ vàng lên trong các Thánh Vịnh (Tv 22 (21), 10 – 11; 71 (70), 6…). Ðặc biệt, tác giả Thánh vịnh biểu lộ niềm xác tín với một cái nhìn phát sinh từ lòng tôn kính Thiên Chúa của sự sống, Ðấng đã tạo dựng mọi con người, bằng cách làm cho họ nên như một kỳ công phản chiếu của Ðấng Tạo Hoá và hình ảnh sống động của Ngài (x. St 1, 27; Tv 8, 6). Vì thế, tác giả Thánh Vịnh thốt lên:

“Tạng phủ con, chính Ngài cấu tạo,

dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con.

Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng,

công trình Ngài xiết bao kỳ diệu!

Hồn con đây biết rõ mười mươi.

Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì,

khi con được thành hình trong nơi bí ẩn,

được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu.

Con mới là bào thai, mắt Ngài đã thấy;

Mọi ngày đời được dành sẵn cho con

đều thấy ghi trong sổ sách Ngài,

Trước khi ngày đầu của đời con khởi sự”

(Tv 139 (138),13 – 16)

Như vậy, qua các bản văn Kinh Thánh trên đây, chúng ta xác tín rằng, nguồn gốc sự sống con người phát sinh từ Thiên Chúa, “Ðấng cho con người được sinh ra, không phải do bởi khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể hoặc ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa” (Ga 1, 13). Thế nên, sự sống ấy hệ tại việc được sinh ra bởi quyền năng Thiên Chúa chứ không phải bởi khả năng tạo sinh của con người. Thật vậy, “giá trị sự sống không chỉ gắn liền với nguồn cội của nó, theo như nó được trao ban từ Thiên Chúa, mà còn nối kết vào cùng đích, vào vận mệnh của nó là được hiệp thông với Thiên Chúa, để nhận biết và yêu mến Ngài”. Do đó, chính Thiên Chúa mới có quyền năng nắm giữ tuyệt đối trên sự sống do Ngài tạo ra: “chính Thiên Chúa nắm trong tay hồn của mọi sinh linh và hơi thở của mọi xác thịt của người phàm” (G 12, 10)

2. Thiên Chúa là chủ sự sống

Một khi Thiên Chúa là tác nhân của sự sống con người thì Ngài cũng chính là Ðấng nắm quyền tuyệt đối trên sự sống do Ngài tạo thành. Thật vậy, Thiên Chúa là Chúa duy nhất của mọi sự sống. Ngay từ đầu, khi tạo dựng con người, Ngài đã thổi sinh khí vào lỗ mũi nó và con người đã thành sự sống (x. St 2, 7). Chính ông Gióp cũng xác tín Thiên Chúa ban cho ông sự sống: “Sinh khí của Thiên Chúa đã làm ra tôi, hơi thở của Ðấng Toàn Năng đã cho tôi được sống” (G 33, 4). Ông Gióp còn tuyên xưng rằng: “Chính Người nắm trong tay hồn của mọi sinh linh cũng như hơi thở của mọi xác thịt người phàm” (G 12, 10). Kinh Thánh còn cho thấy chỉ Thiên Chúa là Ðấng duy nhất nắm quyền quyết định trên sự sống cũng như rút lại sự sống đó: “Nếu Người muốn rút lại sinh khí và quy tụ hơi thở về mình, thì mọi sinh vật sẽ tắt thở cùng một lúc và phàm nhân sẽ trở về cát bụi” (G 34, 14 – 15). Tác giả Thánh Vịnh cũng diễn tả niềm xác tín như thế: “Sinh khí của Ngài, Ngài gởi tới là chúng được dựng nên; Ngài lấy sinh khí lại là chúng tắt thở ngay mà trở về cát bụi” (Tv 104, 29 – 30).

Thiên Chúa là Ðấng nắm quyền sinh tử của con người: “Chính Ngài có quyền trên sự sống và sự chết, Ngài đẩy xuống âm phủ rồi lại đưa lên” (Kn 16, 13; x.Tx 13, 12); “Ta cầm quyền sinh tử, Ta đánh phạt rồi Ta lại chữa lành, không ai cứu khỏi tay Ta được” (Ðnl 32, 3; x. 2 V 5, 7). Sách Sa-mu-en cũng lặp lại cùng một niềm xác tín như trên: “Ðức Chúa là Ðấng cầm quyền sinh tử, đẩy xuống âm phủ rồi lại kéo lên” (1 Sm 2, 6).

Tuy Thiên Chúa nắm giữ số mạng sinh tử của con người (x. Tv 15, 5) và ghi khắc nó trong lòng bàn tay Ngài (x. Is 49, 16; x. G 12, 10), nhưng Ngài không thực hiện uy quyền một cách tàn ác, trái lại, Ngài yêu thương, chăm sóc con người như mẹ hiền ấp ủ con thơ (x. Is 66, 13; Hs 11, 4), như con ngươi trong mắt Ngài. Dù cho cha mẹ có bỏ quên con mình đi nữa thì Thiên Chúa cũng chẳng quên nó bao giờ (x. Tv 26, 10; Is 49, 15), bởi vì, “Thiên Chúa không tạo nên sự chết cũng chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong. Ngài sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu trường sinh bất tử” (Kn 1, 13 – 14), bởi vì, con người được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh của Ngài (St 1, 26 – 27; 9, 6) và “là hình ảnh của bản tính Ngài” (Kn 2, 23).

Vậy, con người không có quyền tuyệt đối trên sự sống và sự chết của mình hay của người khác, bởi vì “số phận của con người lệ thuộc vào Thiên Chúa” (Tv 15 (16), 5), và con người cũng chẳng thể tạo ra được sự sống đích thực, nhưng “chính thiên Chúa ban cho có mọi sự sống, hơi thở và mọi sự… Thật vậy, chính nơi Người mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (Cv 17, 25 . 28).

Nếu con người tự cho mình có quyền trên sự sống và sự chết thì con người đã chiếm quyền tối thượng của Thiên Chúa. Sự sống của con người là của riêng Chúa (x. Is 43, 1), thuộc về Chúa: “Chào đời con được dâng cho Chúa, được Ngài là Chúa tự sơ sinh” (Tv 22, 11) và “kẻ nào động đến con người là động đến con ngươi mắt Chúa” (Dcr 2, 12). Thiên Chúa giao phó sự sống cho con người như kho báu không được phung phí, như một nén bạc phải làm sinh lợi, con người phải trả lẽ về điều ấy với Chúa của mình. (x. Mt 25,14 – 30; Lc 19, 12 – 27)

3. Con người tham sự vào quyền tạo dựng của Thiên Chúa

Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa cũng trao cho họ nhiệm vụ bảo vệ và thăng tiến sự sống, tôn trọng và yêu mến sự sống. Nhiệm vụ này được ban cho con người khi Thiên Chúa kêu gọi họ tham dự vào quyền tạo dựng của Ngài: Thiên Chúa ban phúc lành cho họ và Ngài phán bảo họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1, 28).

Như ở các phần trên đây, chúng ta thấy chính Thiên Chúa là Ðấng tạo thành sự sống con người và Ngài cũng là Ðấng duy nhất nắm quyền chủ tể trên sự sống của họ.

Tuy nhiên, Thiên Chúa cho con người được tham dự một phần nào đó vào quyền chủ tể của Ngài, bởi đó, để thực hiện ý định ấy, Thiên Chúa phán: “Con người ở một mình không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2, 18). Thế rồi, Thiên Chúa đã làm ra một người nữ để người này thành vợ của con người và cả hai thành một xương một thịt (x. St 2, 22 – 25).

Như thế, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ (St 1, 27), với ý muốn con người tham dự, cộng tác đặc biệt vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa qua việc sinh sản, vì thế, trong bậc hôn nhân, “người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai thành một xương một thịt” (St 2, 24). Họ được Thiên Chúa chúc phúc và truyền lệnh: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều cho đầy mặt đất” (St 1, 28).

Kinh Thánh còn cho ta thấy khi con người cộng tác với Thiên Chúa qua việc sinh sản sự sống mới, thì việc sự sống hình thành trong lòng mẹ cũng như việc chào đời và mối dây liên hệ chặt chẽ giữa giây phút đầu tiên của sự sống và tác động của Thiên Chúa, đều đồng thời có sự hiện diện của Ngài trong biến cố đó: “Trước khi Ta nắn ra ngươi trong lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi” (Gr 1, 5); “con chưa thành hình, mắt Ngài đã nhìn thấy con” (Tv 139, 16).

Cuộc đời mỗi con người ngay từ đầu đã ở trong kế hoạch của Thiên Chúa: “Mọi ngày đời được dành sẵn cho con đều thấy ghi trong sổ sách Ngài, trước khi ngày đầu của đời con khởi sự” (Tv 139, 16). Con người dù là cha là mẹ, chỉ là cộng tác viên của Thiên Chúa sáng tạo trong việc nhận mang thai và sinh hạ một sự sống mới. Con người không thể tự mình tạo ra được sự sống mới.

Kinh Thánh cho thấy chính người mẹ cưu mang và sinh hạ con cái của mình mà vẫn không thể hiểu biết chúng được cấu tạo thế nào: “Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con thần khí và sự sống. Cũng không phải mẹ đã sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Ðấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài, chính Ngài do lòng thương xót cũng sẽ trả lại cho các con thần khí và sự sống…” (2 Mcb 7, 22 – 23).

Như vậy, Thiên Chúa cho con người tham dự vào công trình tạo sinh sự sống qua việc Ngài dùng cung lòng của họ, để trong đó, chính tay Ngài tạo tác nên con người mới và quan tâm đến từng hơi thở của nó. “Ta đã nâng các ngươi từ trong lòng mẹ, đã hứng các ngươi từ lúc chưa chào đời” (Is 46, 3; x. G 10, 8 – 12; Gr 1, 5) và cũng chính “Ngài kéo con người ra khỏi lòng mẹ” (Tv 71, 6); “đưa con ra khỏi thai bào, vòng tay mẹ ẵm Chúa trao an toàn” (Tv 22, 10).

Kinh Thánh còn chứng tỏ một khía cạnh khác nữa là: không phải bất cứ lúc nào con người cũng có thể quyết định sinh sản con cái, dù cho họ hết lòng mong muốn, nếu Thiên Chúa không can thiệp; bằng chứng là “khi ông A-đam được một trăm ba mươi tuổi thì ông mới sinh ra được một người con trai… và đặt tên là Sết” (St 5, 1 – 3); hoặc như ông Áp-ra-ham đã tới 100 tuổi và bà Sa-ra đã già 90 tuổi mà vẫn không thể có con cái. Nhưng khi Thiên Chúa can thiệp và chúc phúc cho họ thì họ mới sinh được một đứa con trai tên là I-xa-ác (x. St 17, 15 – 22; 18, 9 – 15); hoặc như ông Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét, cả hai đều đã cao niên mà vẫn không thể có con cái, vì bà Ê-li-sa-bét là người hiếm hoi. Nhưng nhờ quyền năng Thiên Chúa can thiệp và chúc phúc, bà đã mang thai và sinh hạ một người con trai tên là Gio-an. Ý thức mình được can thiệp do quyền năng Thiên Chúa, bà Ê-li-sa-bét thốt lên với tất cả niềm vui khôn tả: “Chúa đã làm cho tôi như thế đó, khi Ngài thương cất nỗi hổ nhục tôi phải chịu trước mặt người đời” (Lc 1, 25).

Như vậy, khi tạo dựng nên người nam và người nữ, cho họ kết hợp với nhau bằng mối dây liên kết hôn nhân, Thiên Chúa muốn cho họ hợp tác với chương trình tạo dựng của Ngài qua việc cưu mang và sinh dưỡng sự sống mới. Còn người con, một sự sống mới – chính là hồng ân của Thiên Chúa: “Tôi đã được một người con nhờ ơn Ðức Chúa” (St 4, 1). Bà E-và đã kêu lên như thế khi ý thức được sự can thiệp của Thiên Chúa. Thật vậy, “con cái là hồng ân của Chúa, con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban” (Tv 117, 3).

4. Sự sống là hồng ân thánh thiêng – bất khả xâm phạm

a. Sự sống con người là hồng ân thánh thiên do Thiên Chúa ban

Con người được hiện hữu và được sống trong vũ trụ trần gian hoàn toàn là do ý muốn tự do của Thiên Chúa quyết định. Kinh Thánh cho thấy sự kiện Thiên Chúa sáng tạo con người với một quyết định đặc biệt và một cuộc thảo luận để đặt mối dây liên hệ đặc biệt với Thiên Chúa: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta” (St 1, 26). Sự sống mà Thiên Chúa ban tặng cho con người thì khác với và tách biệt khỏi sự sống và bất cứ sinh vật nào, bởi vì, con người dù bởi đất mà ra và sẽ trở về với bụi đất (x. St 2, 7; 3, 19; G 34, 15; Tv 103, 24; 104, 29), nhưng con người sống trên trần gian là sự biểu lộ vinh quang Thiên Chúa, một dấu chỉ cho sự hiện diện của Ngài và một vết tích của vinh quang Ngài.

Trong trình thuật về nguồn gốc các sự vật, sách Sáng Thế trình bày cho thấy con người là chóp đỉnh tạo thành của Thiên Chúa, như vậy một sự kết thúc công trình sáng tạo: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa chúc phúc cho họ và truyền lệnh: hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất, và hãy thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1, 27 – 28). Kinh Thánh còn trình bày sự sống mà Thiên Chúa ban tặng cho con người là một hồng ân: “Tôi đã được một người con nhờ ơn Ðức Chúa” (St 4, 1); “con cái là hồng ân của Chúa, con mình sinh hạ là phần thưởng Chúa ban” (Tv 127, 3).

Chúng ta cũng thấy được trong Kinh Thánh, sự sống con người có tính chất thánh thiêng: sự sống thánh thiêng bởi vì nó được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1, 27), giống như Thiên Chúa (x. St 5, 1), như hình ảnh của bản tính Ngài (x. Kn 2, 23), nó được thánh hoá ngay từ trong lòng mẹ (x. Gr 1, 5); nó còn được Thiên Chúa ban cho chính sinh khí sự sống của Người (x. St 27; G 10, 8 – 12), nó cũng được Thiên Chúa ban cho có những yếu tố tinh thần đặc thù của con người như lý trí, khả năng phân định tốt – xấu và ý chí tự do: “Ngài làm cho chúng được đầy kiến thức thông minh, tỏ cho chúng biết điều tốt điều xấu” (Hc 17, 7).

Hơn nữa, con người và sự sống con người không chỉ là một thụ tạo kỳ diệu trong công trình sáng tạo, nhưng Thiên Chúa còn ban cho con người một phẩm giá gần như là thần thiêng: “Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân…” (Tv 8, 6 – 7).

Như vậy, sự sống là một hồng ân thánh thiêng mà Thiên Chúa ban cho con người, nó quý giá hơn muôn loài Chúa đã dựng nên (x. Mt 6, 25 – 34). Chính vì thế, Thiên Chúa là “Ðấng yêu mến sự sống” (Kn 11, 26), là “Ðấng đã dựng nên con người không phải để chúng hư nát” (Kn 2, 23), đã yêu thương con người tới độ ban chính Con Một của Ngài để cứu con người khỏi hư mất và cho con người được sống sự sống đời đời (x. Ga 3, 16; 10, 10)

b. Bất khả xâm phạm sự sống con người

Trên đây, Kinh Thánh đã cho ta thấy Thiên Chúa là Ðấng tạo dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài; Thiên Chúa là Ðấng làm chủ sự sống do Ngài tạo ra; sự sống con người là hồng ân linh thiêng; và tiếp theo, Kinh Thánh cũng còn trình bày cho thấy sự bất khả xâm phạm sự sống con người.

Ðối với dân Do-thái cũng như nhiều dân tộc Thượng Cổ, “máu chính là sự sống” (Ðnl 12, 23), mà sự sống, nhất là sự sống con người chỉ thuộc quyền Thiên Chúa. Bởi đó, kẻ nào xâm phạm đến sự sống con người thì Thiên Chúa liền ra tay trừng phạt (x. Xh 21, 12. 14 . 20). Khi Ca-in giết em mình là A-ben, máu của A-ben đã kêu lên thấu tận Thiên Chúa, thì Ngài đã chúc dữ và trừng phạt Ca-in (x. St 4, 2 – 16). Thiên Chúa cũng không để cho vua Pha-ra-ô tuỳ hứng ra tay tàn sát hết thảy hài nhi của dân Do-thái (x. Xh 1, 15 – 23). Chính Thiên Chúa cũng nhắc lại cho ông Nô-ê sau đại hồng thuỷ rằng: “Ta sẽ đòi con người phải đền nợ máu, Ta sẽ đòi mỗi người phải đền mạng sống của người anh em mình. Ai đổ máu con người, thì máu nó sẽ bị con người đổ ra, vì Thiên Chúa đã làm ra con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (St 9, 5 – 6).

Hơn thế nữa, Kinh Thánh đặc biệt trình bày cho ta một giới luật liên hệ tới tính bất khả xâm phạm của sự sống: “Ngươi không được giết người” (Xh 20, 13). Giới luật này nằm trong Thập giới, ở trung tâm Giao Ước mà Thiên Chúa ký kết với dân tộc Ít-ra-en, nhưng nó cũng mang tính phổ quát cho toàn nhân loại. Về sau, bộ luật của Ít-ra-en đã giải thích giới răn ấy còn cấm gây thương tích cho người khác (x. Xh 21, 12 – 27), và cấm giết người vô tội và công chính: “Ngươi không được giết kẻ vô tội và công chính” (Xh 23, 7); ngay cả việc nếu gây tổn thương cho một bào thai thì bị can án phải lấy mạng đền mạng: “Nếu có gây tổn thương cho bào thai, thì ngươi phải lấy mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay…” (Xh 21, 22 – 25).

Tuy nhiên, dù Cựu Ước khẳng định minh nhiên sự đề cao giá trị của sự sống và những giới luật hàm chứa tính bất khả xâm phạm của sự sống, nhưng chưa đạt tới nét tinh vi hoàn hảo như luật của Tân Ước. Bởi vì, luật Cựu Ước còn qui định những hình phạt nặng nề trên thân thể, có khi còn bị án tử hình đối với những kẻ giết người. Trái lại, sứ điệp tổng quát mà Tân Ước sẽ phải đưa tới mức hoàn hảo, vốn đã là lời kêu gọi khẩn thiết phải tôn trọng tính bất khả xâm phạm của sự sống thể lý và sự toàn vẹn nơi con người khi người thanh niên đến hỏi Chúa Giê-su: “Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?” Chúa Giê-su đáp: “Nếu anh muốn vào cõi sống thì hãy tuân giữ các giới răn” (Mt 19, 16 – 17).

Và trong các giới răn mà Chúa Giê-su nêu lên cho người thanh niên thì trước hết, Ngài nhắc lại giới luật thứ nhất trong Mười Ðiều Răn: “Ngươi không được giết người” (Mt 19, 18). Rồi sau khi nêu lên cho anh ta một loạt các giới răn phải giữ, Chúa Giê-su kết thúc bằng một giới răn tích cực, như là sự bao hàm tất cả các giới luật trước đó: “Ngươi phải yêu người đồng loại như yêu chính mình” (Mt 19, 19). Như thế, giới luật có tính tiêu cực “ngươi không được giết người” (Ðnl 20, 13) đã được Chúa Giê-su đưa tới chiều kích tích cực hơn: “Ngươi phải yêu mến người đồng loại như yêu chính mình” (Mt 19, 19), nhưng giới luật sau vẫn bao hàm tất cả ý lực của giới luật trước.

Chúa Giê-su còn đòi hỏi phải tôn trọng sự sống ở một mức độ cao hơn nữa. Trong bài giảng trên núi, Chúa Giê-su nói: “Anh em đã nghe luật dạy người xưa rằng: chớ giết người; ai giết người thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà…” (Mt 5, 21 – 22).

Như vậy, lệnh truyền của Thiên Chúa, Ðấng luôn bảo vệ sự sống con người (x. St 4, 1 – 15; Is 41, 14), đã đi tới mức sâu xa hơn trong sự đòi hỏi phải tôn trọng và yêu mến mọi người và mọi sự sống. Giáo huấn của Thánh Phao-lô đã vang vọng lại lời dạy của Chúa Giê-su khi Thánh Tông Ðồ viết: “Ngươi không được giết người, cũng như mọi giới răn khác, đều tóm lại trong lời này: ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình. Ðã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13, 8 – 10).

Vậy, sự sống của con người biểu thị một tính chất thánh thiêng và bất khả xâm phạm, nơi đó phản chiếu chính sự bất khả xâm phạm của Thiên Chúa. Vì thế, Thiên Chúa tỏ ra là Ðấng Thẩm phán rất nghiêm khắc đối với mọi vi phạm giới răn “ngươi không được giết người”. Giới răn này vẫn được Chúa Giê-su lấy lại và đưa tới hoàn thiện trong Lề Luật mới, đến nỗi: Tất cả Luật Mô-sê và các Sách Ngôn Sứ đều gồm tóm trong hai điều răn: Tình yêu đối với tha nhân là một giới răn giống như giới răn về tình yêu đối với Thiên Chúa (x. Mt 22, 36 – 40). Sau cùng, giới răn “ngươi không được giết người” vẫn là nền tảng của tất cả sự đồng sinh tồn của xã hội và là điều kiện để người ta có thể vào được “trong cõi sống” (x. Mt 19, 16 – 19). Trong chiều kích đó, Thánh Tông Ðồ Gio-an còn khẳng định bằng một giọng kiên quyết rằng: “Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân và anh em biết: không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời ở lại trong nó” (1 Ga 3, 15).

Phó Tế Nguyễn Văn Tâm, DCCT

Nguồn: catholic.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét