Canh tân sự tin tưởng và hoàn toàn phó thác cho Chúa

Hãy canh tân sự tin tưởng nơi Chúa, bằng cách hoàn toàn phó thác cho bàn tay quan phòng của Người. Cả trên các con đường khó khăn của thời đại ngày nay luôn bước theo các đường lối của Chúa như đoàn chiên ngoan ngoãn và vâng lời.

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã khích lệ hơn 20.000 tín hữu và du khách hành hương năm châu như trên trong buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phêrô sáng thư tư hàng tuần 5-10-2011
Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã tiếp tục loạt bài giáo lý về “trường cầu nguyện” và giải thích thánh vịnh 23, là thánh vịnh rất quen thuộc và được tín hữu ưa thích. Hướng tới Chúa trong lời cầu nguyện luôn luôn đòi buộc phải có sự tin tưởng triệt để, và ý thức tín thác nơi Thiên Chúa là Đấng tốt lành, từ bi thương xót, chậm giận, giầu tình thương và lòng thành tín (Xh 34,6-7; Tv 86,15; x. Ge 2,13; St 4,2; Tv 103, 8; 145,8; Nk 9, 17). Đức Thánh Cha nói:

“Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì”: lời cầu nguyện đẹp này bắt đầu như trên, bằng cách gợi lại môi trường chăn nuôi và kinh nghiệm hiểu biết giữa mục tử và các con chiên. Hình ảnh này nhắc nhớ tới bầu khí tin tưởng, thân tình, dịu hiền: người mục tử biết từng con chiên một, gọi tên chúng và chúng theo anh, vì biết anh nên tin tưởng nơi anh (x. Ga 10,2-4). Anh lo lắng cho chúng và giữ gìn chúng như kho báu của mình, sẵn sàng bảo vệ chúng và bảo đảm hạnh phúc của chúng.

Tín hữu cầu nguyện gọi Thiên Chúa là mục tử và để cho Người hướng dẫn tới đồng cỏ xanh tươi: “Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người” (cc. 2-3).

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: chúng ta đừng quên rằng quang cảnh được tác giả thánh vịnh nhắc tới là bối cảnh của một vùng đất phần lớn là sa mạc, có ánh nắng mặt trời nung nấu, nơi các người bán du mục sinh sống với các đoàn vật của họ. Nhưng mục tử biết tìm ra nơi có cỏ và có nước mát, cần thiết cho sự sống, biết đem đoàn vật tới ốc đảo, trong đó linh hồn được giải khát và có thể lấy lại sức và năng lực mới để tiếp tục lên đường.

Nếu Chúa là Mục Tử, thì cả trong sa mạc, nơi diễn tả sự vắng mặt và cái chết, xác tín sự hiện diện của sự sống cũng không suy giảm, đến độ tác giả thánh vịnh có thể nói“tôi không thiếu thốn gì”. Thật thế, mục tử lưu tâm đến thiện ích của đoàn vật và thích ứng với nhịp đi và các nhu cầu của đoàn chiên, bước đi với chúng và sống với chúng, chứ không chú ý tới các nhu cầu của chính mình. Ưu tiên của anh là an ninh của đoàn chiên. Và Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

Anh chị em thân mến, cả chúng ta cũng thế, giống như tác giả thánh vịnh, nếu chúng ta bước theo “Mục tử nhân lành”, thì cho dù các lộ trình cuộc sống chúng ta có quanh co, hay dài mấy đi nữa, thường khi cả trong vùng sa mạc tinh thần không có nước và có mặt trời của chủ thuyết duy lý nắng cháy, thì dưới sự hướng dẫn của Chúa Kitô Mục Tử nhân lành, chúng ta cũng chắc chắn bước đi trên các con đường đúng đắn; và Chúa hướng dẫn chúng ta, luôn luôn ở gần chúng ta và chúng ta sẽ không thiếu thốn gì cả. Chính vì thế tác giả thánh vịnh có thể tuyên bố với sự an lành và xác tín mà không sợ hãi rằng: “Lậy Chúa, dầu qua thung lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững đạ an tâm” (c. 4).

Ai bước đi cùng Chúa, thì cả trong các thung lũng tối tăm của khổ đau, của bất ổn của các vấn đề của con người, cũng vẫn cảm thấy chắc chắn. Đây cũng là xác tín của chúng ta. Bóng tôi của đêm đen làm sợ hãi, với các bóng tối nhiều như vậy khó mà phân biệt được các hiểm nguy, sự thinh lặng của nó tràn đầy các tiếng động không thể hiểu được. Nếu đoàn chiên di chuyển sau khi mặt trời lặn, khi không còn trông thấy rõ nữa, thì các con chiên lo lắng, vì có nguy cơ vấp ngã, hay lìa xa hoặc lạc đàn, và cũng có nỗi sợ hãi gặp các kẻ tấn công ấn nấp trong bóng tối. Khi nói về thung lũng “tối”, tác giả thánh vịnh dùng một kiểu nói do thái gợi lên bóng tối của cái chết, vì thế thung lũng phải đi qua là một nơi đầy lo âu và đe dọa khủng khiếp, đầy nguy hiểm chết chóc. Thế nhưng tín hữu cầu nguyện tiến bước vững vàng không sợ hãi, vì có Chúa ở cùng ông. Câu “Chúa ở cùng con” là một công bố tràn đầy tin tưởng không lay chuyển và cô đọng một kinh nghiệm đức tin triệt để. Sự gần gũi của Chúa biến đổi thực tại, thung lũng tối tăm mất đi mọi tính cách nguy hiểm và đe dọa của nó.

Phần hai của thánh vịnh mở ra một quang cảnh mới. Tuy vẫn còn trong sa mạc nhưng giờ đây chúng ta được đem vào dưới lều của sự tiếp đón: “Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa” (c. 5). Giờ đây Chúa được giới thiệu như Đấng tiếp đón tín hữu cầu nguyện với các dấu chỉ của lòng hiếu khách quảng đại và tràn đầy chú ý. Chúa dọn “bàn”. Đây là một từ Do Thái ám chỉ việc trải một tấm da trên đất để dọn đồ ăn thức uống trên đó để dùng bữa chung với nhau. Đây là một cử chỉ chia sẻ, không phải chỉ chia sẻ thực phẩm, mà chia sẻ cả cuộc sống nữa, trong một hiến lễ của sự hiệp thông và tình bạn, tạo ra các mối dây liên đới. Thế rồi có món qùa là dầu thơm xức trên đầu nữa, trao ban êm dịu, chữa cái nóng chói chang của mặt trời sa mạc, trao ban mát mẻ và êm dịu cho làn da, và làm phấn chấn tinh thần với hương thơm tỏa lan của nó. Sau cùng là chén đầy rượu ngon chia sẻ với lòng quảng đại đầy tràn.

Thực phẩm, dầu ô liu, và rượu là các món qùa trao ban sự sống và niềm vui; chúng vượt qúa sự cần thiết, và diễn tả sự nhưng không và phong phú tràn đầy của tình yêu... Và người ta thấy khách đi đường ở trong lều, trong khi các kẻ thù của ông phải đứng ngoài nhìn vào mà không thể can thiệp, bởi vì người mà họ coi là mồi ngon của họ đang an ninh ở trong lều tiếp khách, đã trở thành khách thánh thiêng và không thể đụng tới được. Khi Thiên Chúa mở cửa lều của Ngài ra để tiếp đón chúng ta, thì không có gì có thể làm hại chúng ta.

Đức Thánh Cha nói tiếp trong bài huấn dụ: Và khi người khách ra đi, sự chở che của Thiên Chúa tiếp tục đồng hành với ông trên con đường cuộc sống: “Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng những năm dài triền miền” (c. 6).

Lộ trình của ông có một ý nghĩa mới, và trở thành cuộc hành hương lên Đền Thờ Chúa, là nơi thánh, trong đó người cầu nguyện muốn ở luôn mãi và cũng muốn trở lại. Động từ do thái dùng ở đây có nghĩa là “trở lại” nhưng với một thay đổi phụ âm nhỏ có thể hiểu là “ở”: đây là bản dịch của đa số sách Thánh Kinh hiện nay. Có thể giữ lại cả hai nghĩa: trở lại Đền Thờ và ở trong đó là ước muốn của mọi tín hữu do thái, ở gần Thiên Chúa trong sự tốt lành của Ngài; khát vọng và ước mong của mọi tín hữu là có thể thực sự ở nơi có Thiên Chúa, gần Thiên Chúa. Việc bước theo Mục Tử đưa tới nhà của Người là đích điểm ở của mọi lộ trình, là ốc đảo ước mong trong sa mạc, là lều trú ẩn trong lúc chạy trốn thù địch, là chốn an bình, nơi sống kinh nghiệm lòng lành và tình yêu thương tín trung của Thiên Chúa, mọi ngày trong suốt cuộc đời.

Các hình ảnh phong phú sâu sắc của thánh vịnh diễn tả kinh nghiệm tôn giáo của dân Do Thái dọc dài lịch sử của họ. Hình ảnh mục tử gợi lại thời Xuất Hành, con đường lữ hành trong sa mạc như đoàn chiên được Thiên Chúa hướng dẫn (x. Is 63,11-14; Tv 77,20-21; 78,52-54). Trong Đất hứa, nhà vua có nhiệm vụ chăn dắt dân Chúa, như vua Đavít mục tử được Thiên Chúa tuyển chọn và là gương mặt của Vua Cứu Thế (x. 2 Sm 5,1-2; 7,8; Tv 78,70-72). Rồi sau thời Lưu đầy bên Babilonia, như trong một cuộc xuất hành mới, Israel được đưa về quê cha đất tổ (x. Is 40,3-5.9-11; 43,16-21). Họ như đoàn chiên tản lạc được Thiên Chúa tìm thấy và dẫn tới các đồng cỏ xanh tươi và nơi yên nghỉ (x. Ed 34,11-16.23-31). Nhưng chính nơi Chúa Giêsu tất cả sức mạnh gợi ý của Thánh vịnh mới đạt được ý nghĩa toàn vẹn của nó: Chúa Giêsu là Muc tử nhân lành đi tìm con chiên lạc, biết các chiên của mình, và ban sự sống Người cho chúng (x. Mt 18,12-14; Lc 15,4-7; Ga 10,2-4.11-18). Người là đường dẫn đưa tới sự sống (Ga 14,6) là ánh sáng chiếu soi thung lũng tối tăm, và chiến thắng mọi sợ hãi (Ga Ga 1,9; 8,12; 9,5; 12,46). Người là khách quảng đại tiếp đón chúng ta và cứu chúng ta khỏi các thù địch bằng cách dọn bàn tiệc Mình và Máu Ngừơi cho chúng ta (x. Mt 26,26-29; Mc 14,22-25; Lc 22,19-20), và tiệc cứu thế vĩnh viễn trên trời (x. Lc 14,15 tt.; Kh 3,20; 19,9). Người là Mục tử, là vua trong sự hiền dịu và tha thứ ngự trên ngai gỗ vinh quang của thập giá (x. Ga 3,13-15; 12,32; 17,4-5).

Đức Thánh Cha đã chào tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau rồi cất kinh Lậy Cha và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Linh Tiến Khải
Nguồn: tinvuixuanloc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét