Người Việt chưa có quyền chọn hệ thống giáo dục



TS Nguyễn Khánh Trung*, Viện nghiên cứu giáo dục IRED, nghiên cứu viên hợp tác của Trung tâm nghiên cứu xã hội học thuộc ĐH Nantes, Pháp, chia sẻ quan điểm của anh sau sự kiện xô đổ cổng trường để xin học cho con ở Hà Nội.

TS Nguyễn Khánh Trung: "...Tôi không ủng hộ hành động xô đổ cổng trường, đó là điều không nên làm"
Hệ thống giáo dục chưa đáp ứng?
- Được biết anh đang làm đề tài về giáo dục tiểu học các nước, một năm anh dành một nửa thời gian làm việc ở Việt Nam, một nửa thời gian làm việc ở Pháp, anh có cảm xúc gì sau sự kiện phụ huynh xô đổ cổng trường PTCS Thực Nghiệm Hà Nội để xin học cho con?

TS Nguyễn Khánh Trung: Tôi rất đồng cảm với GS Hồ Ngọc Đại khi ông chia sẻ “rất thương phụ huynh”. Nhìn cảnh phụ huynh, ông bà thức đêm thức hôm để chờ mua đơn cho con cháu, tôi rất cảm động vì tình thương con cháu của họ, điều đó chứng tỏ tinh thần coi trọng việc học hành của con cháu, đó là điều tích cực. 
Tất nhiên, tôi không ủng hộ hành động xô đổ cổng trường, đó là điều không nên làm.
Tuy nhiên, đặt hành động đó trong bối cảnh hiện nay, thì có thể hiểu một vấn đề khác, đó là hệ thống giáo dục không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Có thể mỗi người hiểu chất lượng về ngôi trường đó theo cách khác nhau, chưa chắc đã chính xác, nhưng lại thể hiện sự lựa chọn của họ. Đó là cách phản ứng của người dân khi họ không có sự chọn lựa.
- Theo anh, hiện tượng không có sự chọn lựa này có xảy ra ở những nước khác?
Hiện nay ở nhiều nước đang có một xu hướng nổi bật, đó là “thị trường hóa giáo dục”. Phải làm rõ khái niệm này kẻo người ta hiểu nhầm sang “thương mại hóa” giáo dục.
Thị trường giáo dục là một mô hình tổ chức giáo dục, một khuynh hướng cải cách hiện nay trên thế giới và nó cũng là tên gọi của một lý thuyết trong nghiên cứu giáo dục.
Người ta lấy khái niệm này từ kinh tế học để nói về một mô hình tổ chức giáo dục. Như ta đã biết, từ năm 1986 đến nay, kinh tế Việt Nam phát triển được là nhờ mô hình thị trường, đặt sự cạnh tranh làm động lực, có nhiều thành phần kinh tế.
Mô hình thị trường học lấy người dân làm trọng tài, đặt quyền chọn lựa của họ làm căn cứ điều tiết. Tôi xin sử dụng từ ngữ của kinh tế để minh họa, người dân chọn món hàng nào nhiều hơn thì công ty sản xuất món hàng đó sẽ phát triển, và ngược lại, món hàng nào đa số người dân không lựa chọn thì nơi sản xuất ra nó sẽ có nguy cơ phá sản. Như vậy, sự điều tiết dựa trên sự chọn lựa của khách hàng.
Trên thế giới, người ta đang tìm cách thị trường hóa giáo dục để thúc đẩy sự phát triển của giáo dục. Các nước châu Âu, nơi nổi tiếng xem giáo dục như là một thiết chế công, Nhà nước can thiệp rất mạnh tay. Tuy nhiên, hàng loạt các nước này, trong đó có Pháp đã phải cải cách giáo dục theo hướng thị trường, đó là đặt quyền chọn lựa của người dân lên trên hết.
Họ hiểu rằng, muốn giáo dục phát triển thì phải thúc đẩy sự cạnh tranh, cho các gia đình có quyền chọn lựa, mà muốn chọn lựa, thì phải đa dạng về nguồn cung, tạo ra nhiều sự lựa chọn. Các nước như Bỉ, Hà Lan, quyền chọn lựa của người dân được đưa vào trong hiến pháp. Muốn thúc đẩy sự cạnh tranh, cơ sở đào tạo phải có quyền tự quyết và tự chịu trách nhiệm, chủ động tạo ra những chiến lược mang đặc thù riêng, thu hút học sinh và phụ huynh.

Cảnh tượng hỗn loạn tại cổng trường Thực nghiệm sáng 12/5. (Ảnh Tiền Phong)
Người dân khi quyết định cho con học trường nào thì Nhà nước sẽ rót tiền cho gia đình đứa trẻ hoặc viện trợ cho trường nơi trẻ theo học. Nhà nước làm như vậy để đảm bảo quyền được học tập và quyền được chọn lựa của người dân. Như vậy, các trường buộc phải cạnh tranh để thu hút học sinh, vì học sinh là nguồn thu của học, trường nào không có ai chọn lựa thì sẽ phải đóng cửa. Lúc đó, Nhà nước rất là “khỏe”! Nói chung sự cạnh tranh bao giờ cũng thúc đẩy sự phát triển và người được hưởng lợi là “ khách hàng”.
Trong khi đó, ở Việt Nam, người dân không có quyền chọn lựa, vì chỉ có một hệ thống giáo dục, một loại chương trình, thích hay không thì vẫn phải học. Về mặt phát triển thì không phát triển được, mà người dân thì không thỏa mãn quyền chọn lựa. Hành động xô đổ cổng trường là sự phản ứng của người dân. Họ muốn nói với Nhà nước rằng, tôi chọn lựa trường thực nghiệm đó!
Tạo ra nhiều mô hình thì giáo dục sẽ phát triển…
- Tại nước Pháp, người ta đảm bảo quyền lựa chọn giáo dục cho người dân như thế nào?
Trước đây, nước Pháp cũng rất giống Việt Nam, Nhà nước can thiệp rất mạnh vào giáo dục. Cách thức quản lý giáo dục rất tập quyền.
Họ can thiệp để nhằm mục đích đảm bảo công bằng cơ hội cho người dân trong việc học hành.
Tuy nhiên, từ năm 2007 đến nay, khi ông Nicolas Sarkozy lên làm tổng thống, ông nhận thấy một chương trình giáo dục tập trung làm cản trở phát triển giáo dục. Pháp nhận thấy rằng, cứ làm như vậy thì không cạnh tranh được với thế giới hôm nay nên đã quyết định thay đổi. Bây giờ, nước Pháp đã cải cách bằng cách tạo ra nhiều quyền chọn lựa cho người dân.
Ví dụ, trước đây, con cái có hộ khẩu vùng nào thì học ở trường vùng đó, nhưng bây giờ thì khác, đã “mềm hoá”, bây giờ thì cha mẹ thích cho con học ở vùng nào cũng được, học ở đâu thì Nhà nước rót tiền cho đứa trẻ ở đó.
Như vậy, trong kinh tế thì điều tiết dựa trên giá cả, còn trong giáo dục điều tiết dựa trên quyền chọn lựa của người dân. Điều này bắt buộc các trường phải vận động, trường nào không thu hút học sinh thì sẽ phải đóng cửa.
Tại Việt Nam, tôi tin rằng, nếu tạo ra nhiều mô hình thì giáo dục sẽ phát triển. Ví dụ thực nghiệm cũng là một mô hình và có nhiều mô hình khác nữa cho người ta chọn. Bởi vì, bản chất của xã hội là “chín người, mười ý”, mỗi một học sinh là một thực thể khác biệt, nên không thể lấy một cái gì duy nhất để áp đặt lên cả xã hội.
Trong mọi quyết định về giáo dục của Nhà nước, phải dựa trên sự thương lượng với người dân, với cơ sở đào tạo, với giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Nhà nước chỉ nên đóng vai như một tác nhân bình đẳng bên cạnh các tác nhân khác, chứ không nên đóng vai của một ông chủ điều hành theo mệnh lệnh.
Khi người dân được tôn trọng, được lắng nghe, lúc đó người dân mới chủ động tham gia vào giáo dục và góp phần thúc đẩy giáo dục phát triển. Tốt hay xấu lúc đó thì toàn xã hội cùng chịu trách nhiệm và cùng tìm cách vượt qua.
Trách nhiệm của Nhà nước là tạo ra một môi trường minh bạch, cung cấp thông tin cần thiết, rõ ràng để người dân có căn cứ thực hiện quyền chọn lựa của họ, ví dụ Nhà nước tổ chức kiểm định chất lượng các trường và công bố công khai cho người dân biết.
- Ở Việt Nam, hiện có nhóm Cánh buồm cũng làm sách riêng cho tiểu học, cũng như bộ sách dành cho tiểu học của nhóm Giáo sư Hồ Ngọc Đại đang được giảng dạy ở nhiều trường, anh nghĩ gì về hiện tượng này?
Tôi nghĩ đó là điều sớm hay muộn cũng phải xảy ra. Giáo dục Việt Nam muốn phát triển thì sớm hay muộn cũng phải theo con đường “trăm hoa đua nở”. Những bộ sách mới có thể chưa được công nhận rộng rãi, nhưng nó rất cần cho xã hội. Nhà nước hãy để cho người dân có quyền phán xét và chọn lựa.
Nhà nước trao quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo thì mới tạo ra sự cạnh tranh được. Nhà nước quy định hành lang pháp lý căn bản cho các cơ sở đào tạo hoạt động, còn để cho hiệu trưởng lên chiến lược riêng, khẳng định nhãn mác riêng của trường người ta. Tôi tin rằng, khi điều đó xảy ra, hiệu trưởng sẽ biết cách để giữ giảng viên giỏi, làm cho lương bổng của họ tốt lên.
- Sắp tới con anh sẽ vào lớp 1, hành trình xin học cho con anh tại Pháp sẽ như thế nào?
Tôi tới đăng ký ở chính quyền xã và người ta phải lo chỗ học cho con tôi, vì đó là quyền của người dân được luật pháp bảo hộ nên nhà trường và chính quyền không có quyền từ chối.
Ngược lại, nếu con tôi 6 tuổi mà tôi không đăng ký học cho con thì cảnh sát sẽ tới “hỏi thăm” ngay. Sau khi đăng ký học rồi, tôi có thể cho con đến trường học hay không là tùy, vì có thể dạy con học ở nhà, nhưng phải đảm bảo qua được kỳ thi Nhà nước quy định.

Giáo dục Việt Nam muốn phát triển thì sớm hay muộn cũng phải theo con đường “trăm hoa đua nở”.
Ngày nay ở Pháp, tôi có quyền chọn một ngôi trường khác ngoài địa phương để đăng ký cho con học nếu tối thấy trường đó dạy dỗ tốt. Tuy nhiên, tôi sẽ chọn trường gần nhà vì thấy rằng chất lượng của các trường đều khá giống nhau.
Tại Hà Nội, có ý kiến cho rằng cơ sở vật chất các trường không đồng đều nhau và thậm chí cách nhau quá xa, nhưng tôi nghĩ, khi người ta thực sự đặt giáo dục là quốc sách thì sẽ tìm cách thực hiện được. Nhà nước phải đầu tư cho các trường để không có sự cách biệt quá.
Mặt khác nếu cho người dân quyền chọn lựa, không ai dại gì lại gửi con mình vào những ngôi trường nhếch nhác, không có chất lượng. Những trường như thế nếu không lo cải thiện thì sẽ bị đào thải vì sẽ không có người học.
- Cảm ơn anh đã chia sẻ những thông tin thú vị.
 Hương Giang (Thực hiện)
Nguồn: VietNamNet
* Anh Nguyễn Khánh Trung là một giáo dân thuộc giáo xứ Kỳ Anh, hạt Kỳ Anh, giáo phận Vinh, hiện đang sống và làm việc tại Pháp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét