Cuộc Đối Thoại Giữa Đức Tin Và Lý Trí Qua Các Thời Đại (phần 1)

Cuộc Đối Thoại Giữa Đức Tin Và Lý Trí Qua Các Thời Đại (phần 1)

Tạ Văn Tịnh, O.P 
Tự bản chất, Kitô giáo không phải là một hệ thống triết thuyết nhằm dung hợp sự khôn ngoan thông thái của nhân loại, nhưng là một mạc khải của Đấng Tối Cao. Đường nét tinh thần căn bản của Kitô giáo không hệ tại vào tính vững chắc của những định chế hay tín điều tôn giáo, mà là thái độ rộng mở trong tương quan yêu thương, thân thiện và vị tha. Tuy thế, bên cạnh những nét đặc thù, Kitô giáo luôn sẵn sàng đối thoại, giao lưu và gặp gỡ với các tôn giáo, các nền văn hóa, văn minh của nhân loại.
Lịch sử cho ta thấy văn hóa Kitô giáo phương Tây đã được hình thành từ những đối chất, những tiếp thu, những ứng dụng của Kitô giáo đối với triết học Hy lạp, La mã Cổ đại. Từ vị thế một đối thủ, triết học Hy – La đã dần dần trở nên một người bạn thân thiện của niềm tin Kitô giáo. Tuy rằng, tiến trình này phải trải qua một thời gian dài và rất cam go, nhưng khi được tư tưởng Kitô giáo tiếp nhận, ứng dụng, thì nền văn hóa Hy lạp, La mã trở nên sinh động và hữu hiệu hơn bao giờ hết; đồng thời, các tư tưởng triết học Hy – La trở thành một điểm tựa của niềm tin Kitô giáo, đặc biệt là qua những công trình xán lạn của các Giáo phụ và các nhà Kinh viện trong việc cố gắng tìm kiếm những điểm tương đồng giữa triết lý và đức tin.
I. THỜI KỲ CÁC GIÁO PHỤ
1. Lý trí phục vụ đức tin
Thánh Justin – triết học biện minh cho đức tin
Thánh Justin đã sử dụng những điểm tích cực của triết học để biện minh cho đức tin. Ngài đặt vị trí quan trọng cho triết học một nhiệm vụ cao quý là bảo vệ chân lý. Lập trường của Justin là chấp nhận mọi chân lý cho dù nó đến từ đâu “Bất cứ những gì đã được nói ra do bất cứ ai đều thuộc về chúng ta cả”[1]. Tuy nhiên, đối với ngài, mọi suy tư triết học phải dẫn tới lòng kính sợ và tin tưởng vào Thiên Chúa, và đưa đến hạnh phúc chân thật cho con người.
Thánh nhân xem logos như trung gian giữa Thiên Chúa và thế giới. Logos được sinh ra trước khi tạo thành vũ trụ và là một nguồn chân lý. Logos chính là Ngôi Lời Thiên Chúa đã được ban cho nhân loại trước Đức Kitô, và là nguồn chân lý. Do đó, các triết gia ngoại giáo đã có được một thứ “tiềm lời” (Verbum seminale) phổ quát. Nếu họ trung thành với ánh sáng này họ đã là một Kitô hữu rồi. Tất cả những gì được nói ra đúng chân lý, đều là của chúng ta. Tuy nhiên, chỉ nhờ mạc khải của Thiên Chúa, ta mới có thể biết được trọn vẹn và chắc chắn về Ngôi Lời trọn hảo.
Thánh Clément – triết lý và đức tin không nghịch nhau
Sau thánh Justin, Clêmentê cũng có thái độ cởi mở với triết học. Ngài cho rằng, triết học, cho dù không thể thay thế cho đức tin nhưng nó chuẩn bị cho tâm hồn con người đón nhận đức tin. Thánh nhân trình bày đức tin Kitô giáo như một triết lý chân chính. Tri thức và đức tin thống nhất với nhau, nhưng trong sự thống nhất ấy ưu thế nghiêng về đức tin, không có đức tin không có tri thức, nhưng đức tin mà không cần tri thức chẳng khác nào một nền móng mà không có nhà xây trên đó. Con đường của triết học là con đường đi từ chân lý tản mạn đến những chân lý thống nhất, loại bỏ những hoài nghi và ngộ nhận mà đức tin là đích đến của nó. Triết học chân chính là sự nhận thức các bản thể thần linh và con người, là khoa học nghiên cứu mối quan hệ giữa Thiên Chúa – con người – vũ trụ.
2. Hạ thấp lý trí
Tertullien – Hạ thấp triết học để làm nổi bật đức tin
Khác với thánh Justin và Clément, Tertullien tỏ thái độ chống đối hoàn toàn với triết học. Ông coi các triết gia là ông tổ của những người lạc giáo. Đức tin không đón nhận được bằng lý trí. Ngài nói: một người tín hữu quê mùa dốt nát có thể trả lời những câu hỏi về Thiên Chúa cách rành mạch hơn một triết gia lỗi lạc xuất chúng.
Từ chỗ cực đoan về niềm tin, ông đã bỏ rơi hai chức năng của triết học là nghiên cứu và xây dựng. Trong nhận thức luận Tertullien theo đường lối duy cảm luận khắc kỷ, đề cao vai trò tự nhận thức, hay cảm tính bên trong. Trong vấn đề thần học ông khẳng định tính chất đáng tin cậy uy quyền của Giáo hội.
3. Dung hòa giữa đức tin và lý trí
Qua thế kỷ thứ V, Thánh Giáo phụ tiêu biểu là Augustin (354 – 430) với câu nói trứ danh: “hãy hiểu để tin, hãy tin để hiểu” (Intellige ut credas, crede ut intellgas). Trong công thức này, chúng ta thấy, giữa đức tin và lý trí có sự tác động biện chứng và gắn kết với nhau. Nhờ có lòng tin, con người nhận biết Thiên Chúa, nhờ có lý trí con người am tường được Đấng Anh Minh là nguyên nhân mọi sự. Vế thứ nhất “hãy hiểu để tin” có thể hiểu theo hai cách. Thứ nhất, đối với người chưa có lòng tin thì học biết về Thiên Chúa qua Kinh Thánh, tìm kiếm Người trong những quy luật của thực tại. Trong thực tế đã có nhiều người gặp được Chúa đang khi mải mê chinh phục thiên nhiên, khám phá vũ trụ. Trường hợp của tiến sĩ vật lý học Phan Như Ngọc là một ví dụ. Nhờ vào quan sát và nghiên cứu thực tại vũ trụ và tiếp cận với những tư tưởng vĩ đại như Newton, Victor Hugo, Einstein, ông đã thừa nhận rằng Thiên Chúa hằng hữu, dù trước đó ông là một đại biểu vô thần. Ngài tiến sĩ, người Mỹ, Francis S. Collins, Giám đốc dự án giải mã gen người, qua hơn một chục năm nghiên cứu nhằm tìm ra trình tự ADN đã viết tác phẩm nổi tiếng “Ngôn ngữ của Chúa”.Thứ hai, đối với người đã có lòng tin vào Thiên Chúa thì tìm hiểu thêm để kiểm chứng lòng tin của mình, nhận biết về Người cách sâu xa hơn và tin tưởng chắc chắn hơn.
Như vậy, lý trí và đức tin không tách biệt nhau và không làm cho con người mất khả năng nhận biết mình, nhận biết thế giới xung quanh, và quan trọng là nhận biết Đấng đã làm cho thế giới có trật tự là Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện và toàn mỹ.
Vế sau của lời bất hủ “hãy tin để hiểu” là lời vọng của mỗi người muốn tiến tới trong sự tìm kiếm chân lý. Mọi người đều khát vọng hiểu biết, nhưng đối tượng của khát vọng ấy chính là chân lý. Đức tin không phải là một ý niệm chết cứng hay chỉ nhận thức một lần cho tất cả, mà đòi hỏi lý trí luôn khám phá và kiếm tìm. Con người tìm kiếm chân lý, trong từng biến cố, không phải bằng cách khép mình lại trong một ốc đảo, mà bằng sự khoan dung, cởi mở, hòa hợp chính mình với những biến cố đó, để có thể đón nhận những giá trị trội vượt hơn mình, và từ đó, con người mới có lời đáp trả thỏa mãn và đầy tin tưởng. Triết học giúp con người nhất quán về tư duy và vững chắc về niềm tin chứ không phải chỉ là một thứ tri thức ngược chiều với niềm tin tôn giáo. Một lần nữa, sự hài hòa cơ bản của nhận thức triết lý với sự cảm thức của đức tin được củng cố. Đức tin đòi hỏi đối tượng của nó phải được lý trí hiểu biết, phân tích; còn lý trí khi nghiên cứu cho đến cùng, phải chấp nhận điều đức tin trình bày.
4. Những bài học từ thời kỳ các Giáo phụ
Đức tin cần đến sự liên minh với triết học. Với ý định tốt đẹp và cao thượng, các Giáo phụ chủ trương thống nhất mọi thứ tản mát (ám chỉ tính muôn màu muôn vẻ của triết học Hy lạp) về một chân lý duy nhất. Triết học Kitô giáo có kinh điển và Kinh Thánh của mình. Các Giáo phụ đã làm sống dậy truyền thống tư duy bằng ngôn ngữ triết học và phổ biến nó. Kinh Thánh là bộ sách quý giá nhất đối với các Giáo phụ cũng như với mọi tín hữu. Một bộ sách chứa đựng chân lý hoàn hảo về hồng phúc và sự thiện. Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa mạc khải cho con người, là chỗ dựa tinh thần của đời sống Kitô hữu, là nguồn sinh lực tiềm tàng của triết học và thần học. Nhưng để niềm tin Kitô giáo được vững chắc và được con người đón nhận, cần phải được luận giải, chứng minh bằng lý trí hầu làm cho niềm tin Kitô giáo minh bạch hơn.
Trong tinh thần ấy, Kitô giáo rất cần đến sự liên minh với triết học, lấy tư tưởng, ngôn ngữ triết học để lý giải, chú giải nội dung của Kinh Thánh. Tuy nhiên, trong tôn giáo không chỉ có liên minh với triết học mà ngược lại, đối với triết học cũng cần phải có sự tham gia tích cực của niềm tin tôn giáo; để từ đó vai trò của triết học được tỏ rõ trong lĩnh vực hoạt động của mình. Một truyền thống chỉ có lý trí mới cho phép con người nhận thức được chính mình, nhận thức được những vấn đề xung quanh mình như vũ trụ – con người.
Trên con đường tìm kiếm Thiên Chúa, con người cần phải có lý trí dẫn đường để đức tin không bị mù quáng, sai lạc. Mặt khác, tin tưởng cũng là một hình thức suy tư. Thánh Augustin nói rằng, một người không có khả năng suy tư thì không có khả năng tin tưởng.
Đức tin soi sáng cho lý trí. Các Giáo phụ thời kỳ phôi thai, cho dù đã thấy được những điểm tích cực của triết học và vận dụng nó trong việc xây dựng niềm tin nơi con người, nhưng chưa nhìn nhận đúng mức về vai trò và mối tương quan giữa lý trí và đức tin. Đến thánh Giáo phụ Augustin thì đức tin và lý trí mới thực sự được nhìn nhận một cách đúng đắn hơn và sự dung hòa giữa chúng mới minh bạch hơn. Đây là giai đoạn có ý nghĩa trong việc dung hợp giữa đức tin và lý trí cách sâu xa nhất. Ta thấy ước vọng hiểu biết là một đặc tính chung của mọi người. Trí tuệ có thể giúp cho chúng ta tin và tin vững chắc hơn, kín múc được tầng nước sâu của đặc sủng. Mặt khác, thế giới và những gì xảy ra trong đó, cũng như những bước thăng trầm của lịch sử đều là những thực tại được nhìn nhận, được phán đoán bằng phương tiện riêng của lý trí. Nhưng đức tin không đứng như khách bàng quan, dửng dưng, cũng không phải là khách trọ trước một biến cố mới xảy ra nơi thực tại. Đức tin tham gia vào đó không làm giảm nhẹ quyền tự quyết của lý trí hay để hạn chế lãnh vực của nó, mà đức tin làm cho lý trí, hiểu biết của con người thêm vững mạnh hơn, sâu sắc hơn và hữu hiệu hơn. Đức tin làm cho cái nhìn bên trong sắc bén và giúp cho lý trí khám phá ra sự hiện diện của Đấng Anh Minh an bài mọi sự trong từng biến cố cuộc đời.
Vậy, qua những điểm nói trên, chúng ta nhận thấy rằng một Kitô giáo thực sự đã bước vào lịch sử nhân loại. Có lẽ những bước đi ấy không mang tính vang dội và quyết liệt bởi một sức mạnh võ trang, nhưng chỉ là một hạt giống âm thầm gieo vào lòng đất, lớn lên và phát triển. Đó là một sự trưởng thành đầy ý nghĩa về phẩm chất nhân văn, nhân bản của lịch sử Kitô giáo. Quả thật, với niềm tin Kitô giáo không phải là mảnh đời tách biệt với suy tư lý trí của con người, mà nó luôn luôn gắn liền với tư duy nhân loại.

Nguồn: Đa Minh Việt Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét