BÀI DIỄN THUYẾT BẢO VỆ SỰ SỐNG
CỦA CÔ BÉ 12 TUỔI


Quý vị nghĩ gì, nếu cháu nói rằng ngay bây giờ có “ ai đó” đang lựa chọn chính quý vị được sống hoặc là phải chết? Quý vị nghĩ gì nếu lựa chọn đó không dựa trên những gì quý vị có thể hoặc không thể thực hiện, những gì mà quý vị đã thực hiện hoặc sẽ thực hiện trong tương lai? Và quý vị nghĩ gì, nếu cháu nói rằng quý vị không thể làm gì thay đổi được nữa?

Kính thưa quý ông bà cùng quý đại biểu Quốc hội, ngay lúc này đây hàng ngàn trẻ em đang bị “ai đó” lựa chọn, thậm chí không biết chúng sẽ sống hay chết. “Ai đó” lại chính là người mẹ, và lựa chọn là phá thai!
Hàng ngày có khoảng 115 ngàn em bé bị giết vì phá thai. Vâng, một trăm mười lăm ngàn trẻ em!
Nhìn xuống cử tọa, cháu ước lượng có chừng khoảng 10 ngàn người tham dự. Vậy mà chỉ từng hai giờ trôi qua thôi, thì con số trẻ em bị giết vì phá thai cũng bằng số người có mặt ở đây rồi. Ít nhất nó cướp đi sinh mạng một phần ba thế hệ. Tất cả chừng ấy những sinh mạng bị hủy diệt, tất cả chừng ấy nguồn tiềm năng bị biến mất, và cả tương lai hy vọng cũng tiêu tan.
Cháu biết trong quý vị có người nghĩ rằng:
“Ồ, không phải là giết chóc gì đâu! Vì phôi thai chưa phải là người mà, đúng không?”
Nhưng, tại sao quý vị lại nghĩ rằng bởi vì thai nhi chưa biết nói, chưa biết hoạt động như chúng ta, nên chúng chưa phải là người ? Thuật ngữ “phôi thai, thai nhi-fetus” có nguồn gốc từ tiếng La tinh, có nghĩa là một em bé, một người còn rất nhỏ. Chẳng lẽ một số em bé sinh non sau tháng thứ 5 trở đi, chúng cũng không phải là người hay sao???
Tất nhiên là người ta chẳng nói thế đâu! Nhưng, ngày nay người ta vẫn phá thai ở cả sau tháng thứ 5 đấy chứ. Trên thực tế ở đất nước Canada này, người ta có thể phá thai ở bất gì giai đoạn mang thai nào. Có lẽ nào chúng ta chỉ coi thai nhi là người nếu chúng ta muốn hay sao? Ồ không, thai nhi là một con người thực sự! Đó là tuyệt tác mà Đấng Tạo Hóa đã thêu dệt tài tình trong lòng người mẹ!
Có ai đó lại lý sự rằng:  “Ở đất nước Canada này không hề có luật nào cấm phá thai nên chẳng có gì phải lăn tăn cả. Vấn đề đã ổn định với đạo luật tự do phá thai rồi, nên chúng ta không phải bận tâm nữa!”. Nhưng đó mới chính là vấn đề cần quan tâm bởi vì đạo luật phá thai là phi lý. Khi một hành động phi lý, trái luật tự nhiên thì nó phải bị coi là phạm pháp. Nó phải bị xem là có vấn đề! Và nhất là hành động ấy đã và đang gây tác oai tác quái cho xã hội chúng ta.
Hàng năm, riêng ở nước Canada này đã có hàng trăm ngàn ca phá thai. Khoảng một triệu ca ở nước Mỹ [Dân số Mỹ hơn 300 triệu, trong khi Việt Nam, dân số chưa đầy một trăm triệu, mà số ca phá thai đã khoảng 3 triệu ca/năm]. Và hàng năm trên thế giới có khoảng hơn 42 triệu em bé bị tước quyền làm người. Cháu khẳng định rằng, đó là đại họa khủng khiếp!
Nhiều người cũng biện minh rằng: “Phụ nữ phải được quyền phá thai, nếu không, cứ sinh em bé sẽ trở nên gánh nặng cho họ!”
Nhưng cháu xin hỏi quý ông  quý bà rằng đâu là QUYỀN SỐNG của những em bé này? Đã bao giờ những thai nhi này được hưởng những quyền căn bản chưa? Như thế, dù quyền của người phụ nữ có lớn thế nào đi nữa thì điều đó cũng không có nghĩa là người ta được phép tước quyền sống của thai nhi.
Lại có ý kiến khác cho rằng: “Người phụ nữ không nên cưu mang đứa con tàn tật gây ra gánh nặng cho xã hội”. Điều này đối với cháu thật vô lý, bởi vì, một mặt, chúng ta có chế độ chăm sóc đặc biệt cho những người tàn tật, từ chiếc cầu thang cho đến chỗ đỗ xe, rồi chúng ta tổ chức Thế Vận Hội dành cho người khuyết tật, chúng ta nói rằng họ mang niềm vui đến cho chúng ta, họ truyền cảm hứng niềm tin yêu cuộc sống cho chúng ta, vậy mà bây giờ có người phụ nữ nào cưu mang những em bé như thế, chúng ta lại “tư vấn” đòi giết bỏ, không cho các em được một lựa chọn nào khác.
Tuy nhiên, không chỉ riêng những thai nhi tàn tật mới bị loại bỏ đâu. Ở Bombay, theo một cuộc điều tra trong số hơn 8 ngàn thai nhi được xác định là bé gái, thì chỉ có một em trong số đó được sống sót. Số còn lại thì, người mẹ đã thi hành “cái quyền lựa chọn” của mình để rồi loại bỏ bằng cách phá thai, tức là giết quách chúng đi!
Nói về quyền lựa chọn của người mẹ. Họ đã có những quyền lựa chọn, trước hết là không quan hệ tình dục không an toàn hay sao? Quý vị nên nhớ rằng, NHỮNG QUYỀN và NHỮNG LỰA CHỌN của chúng ta phải gắn liền với TRÁCH NHIỆM. Và như thế, chúng ta không được phép tước đoạt những quyền của người nào đó nhằm trốn tránh trách nhiệm của mình.
Trước luận điểm này, cháu nghĩ có thể ai đó lại chấn vấn: “Trường hợp nếu người mẹ mang thai ngoài ý muốn, bị hiếp dâm, loạn luân thì sao? Thưa, trên thực tế, chỉ có 1% số ca phá thai rơi vào những trường hợp này, bao gồm cả loạn luân, hiếp dâm, và trường hợp thai nhi đe dọa tính mạng người mẹ. Vâng, chỉ có một phần trăm mà thôi. Con số 1% này làm sao có thể biện minh cho con số khổng lồ những ca phá thai diễn ra hàng ngày đây?
Có người lại cho rằng phá thai là cách giải quyết vấn đề hiệu quả. Nhưng cháu tin rằng nhiều người không có đủ hiểu biết và lường hết được những hậu quả do phá thai gây ra. Xin hãy suy nghĩ về điều này! Theo số liệu nghiên cứu mới nhất, thì 48% trong số những người phụ nữ từng phá thai gặp rất nhiều trở ngại trong những lần mang thai sau đó. Thậm chí, một số trong số họ hoàn toàn mất khả năng sinh con. Tỉ lệ ung thư vú xảy ra ở những người từng phá thai cũng cao hơn mức bình thường rất nhiều. Nhưng có lẽ, hậu quả tai hại nhất do phá thai gây ra, là gây tổn hại đời sống tâm lý tình cảm. Những người phụ nữ từng phá thai sẽ có nguy cơ bị rối loạn tâm lý, phiền muộn, đời sống bất cân bằng nhiều khi dẫn đến những hành động dại dột gây tổn hại. Chưa hết, những người phụ nữ từng phái thai có nguy cơ lạm dụng các chất gây nghiện như rượu mạnh, gấp năm lần bình thường.
98% số người phụ nữ từng phá thai cho biết, họ sẽ không khuyên bạn bè làm như thế nữa. 80% trong số họ nói rằng nếu được người mẹ nâng đỡ, hoàn cảnh đỡ éo le hơn thì họ sẽ giữ lại đứa con. Phá thai gây ra cho người phụ nữ tâm trạng sống hụt hẫng, mất hy vọng vào tương lai. Hơn nửa số người từng phá thai phải sống với mặc cảm tội lỗi, xấu hổ, phiền muộn, hối tiếc. Đó là điều chúng ta phải suy nghĩ. Cháu mới đọc trên một trang mạng về tạp chí gia đình, nói về một cô gái đã phá thai, cô ấy viết: Tôi đã phá thai khi mới 17 tuổi. Đây là điều tồi tệ nhất mà tôi đã phạm. Xin đừng ai lựa chọn sai lầm như thế nữa vì nó chỉ gây tác hại. Khi tôi cố gắng có con, tôi đã phải ba lần sẩy thai, bởi vì, tử cung đã bị tổn thương trong quá trình phá thai”. (Sharon Osborne)
Đó chỉ là một trong số vô vàn những câu chuyện đau lòng tương tự. Ngày nay chẳng ai muốn tỏ nói ra những điều đau lòng như thế, nhưng chúng ta cần phải lắng nghe họ.
Cuối cùng, cháu xin cảm ơn quý ông bà và tất cả mọi người đã dành thời gian suy nghĩ về vấn đề nhức nhối này, suy nghĩ về những em bé vô tội không được làm người, suy nghĩ về hậu quả do phá thai gây ra cho người phụ nữ. Nếu quý vị muốn ra về mới một điều gì đó, sau buổi diễn thuyết này, xin hãy nhớ lời của Horton. Chắc quý vị biết ông ấy chứ? Ông nói một câu đáng nhớ rằng: “Ngay cả khi bạn không thể nghe thấy tiếng thai nhi nói, hay thậm chí không nhìn thấy chúng, thì một con người vẫn là một con người, dù con người ấy nhỏ bé thế nào đi nữa”.
Xin cảm ơn!
Đình Chẩn chuyển ngữ 29.03.2011
Nguồn trích dẫn (0)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét