VRNs (17.12.2011) – Câu chuyện nữ công nhân tên Lê Thị Phương – ca trưởng khâu hoàn chỉnh liên 2, thuộc phân xưởng C của Công ty Giày Hong Fu bị chủ quản người Trung Quốc tên A Vương quát tháo, lấy keo 502 đổ lên tay trong giờ làm việc. Sau đó bắt phải áp 2 bàn tay lại với nhau khiến chị này bị ngất, phải đi cấp cứu. Vụ việc gây phẫn nộ với hàng nghìn công nhân nên họ đã đình công.
Đáng chú ý là tên A Vương này từng bạo hành nhiều nữ công nhân trước đây. Tên này cũng đã “từng đánh lằn người tổ trưởng 8 tên Vỹ, bóp cổ công nhân Nguyễn Thị Thúy, đánh rạn xương sống lưng tổ trưởng Lê Quốc Khánh…”. Tên này vào ngày 23/11/2011 cũng “dùng thủ đoạn đổ keo 502 dính tay tổ trưởng Nguyễn Thị Thao, làm chị Thao phỏng rộp, rách hết da tay”. Rồi ngay trong ngày bạo hành chị Phương, tên này còn cầm một nắp dung dịch keo 502 hắt vào mặt công nhân Nguyễn Thị Lâm, rất may chị Lâm né tránh được…” (Phụ nữ Today Online 28/11/2011).
Nhưng do tên A Vương này là người của nước “Lạ”, nên ngay khi vụ việc xảy ra, đã có xuất hiện nghi vấn mới rằng: trong lúc giằng co nhau nên keo đổ vào tay; và rằng: các xử lý của A Vương chỉ mang tính chất cá nhân, không phải chủ trương của công ty, nên không liên quan đến quan hệ lao động… (Báo Dân Trí online ngày 01/12/2011) và cuối cùng thì Công an Thanh Hóa kết luận hành vi của tên này không cấu thành tội cố ý gây thương tích, theo Điều 104 Bộ luật hình sự. Vì vậy, cơ quan điều tra đã quyết định không khởi tố vụ án hình sự… (Báo Dân trí online ngày 15/12/2011).
Chúng tôi tư vấn miễn phí cho Công an Thanh Hóa như sau:
1. Tên A Vương có dấu hiệu phạm tội tố ý gây thương tích theo điểm c, điểm i, khoản 1 Điều 104 BLHS.
1.1 Theo Điều luật này, người cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác mà tỷ lệ thương tật dưới 11% nhưng thuộc các trường hợp “phạm tội đối với nhiều người” và “có tính chất côn đồ“… thì bị phạt tù đến 3 năm.
1.2 Cụ thể ở đây, theo tin Phụ nữ online (chuyên trang Phụ nữ và Đời sống của Báo điện tử nguoiduatin.vn)[1] ngoài việc tên A Vương đổ keo 502 gây tổn hại sức khỏe cho chị Lê Thị Phương, tên này cũng đã dùng thủ đoạn đổ keo 502 dính tay chị Nguyễn Thị Thao, đánh tổ trưởng Vỹ, bóp cổ chị Nguyễn Thị Thúy và đánh rạn xương sống lưng tổ trưởng Lê Quốc Khánh… Và ngay trong ngày bạo hành chị Phương, tên này cũng cầm một nắp dung dịch keo 502 hắt vào mặt chị Nguyễn Thị Lâm…
Lưu ý rằng, theo Phụ nữ Today online, “rất may là các công nhân đã nhanh chóng lấy dung dịch xử lý để rửa tay kịp thời cho chị Phương… rồi đưa chị Phương đi cấp cứu tại Bệnh viên” và “Rất may, chị Lâm đã né tránh được” nắp dung dịch keo 502 “chứ nếu không, không biết hậu quả sẽ thế nào…”. Tình tiết này, được xem là hậu quả nặng nề chưa xảy ra là ngoài ý muốn của A Vương.
Ngoài ra, cũng theo Phụ nữ Today Online thì A Vương dùng lọ keo đổ lên lòng bàn tay của chị Phương và lấy nắp lọ keo xoa đều phần keo khắp lòng bàn tay chị Phương và bắt chị Phương ốp hai tay lại với nhau, lúc đó ông ta mới chịu buông tha và bỏ đi. Như vậy, hoàn toàn không có nghi vấn mới nhằm chạy tội cho A Vương là trong lúc giằng co, đổ keo vào tay…
Rõ ràng, cơ quan Công an đã không tiếp nhận tin báo, điều tra, đưa các nạn nhân đi giám định… để xác định A Vương có dấu hiệu đã gây tổn hại sức khỏe cho nhiều người để khởi tố tên này cho dù tỷ lệ thương tật của chị Phương dưới 12% theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 104 BLHS.
1.3 Theo Bình luận Khoa học BLHS của tác giả Đinh Văn Quế thì “tính chất côn đồ là trường hợp khi phạm tội, người phạm tội rõ ràng đã coi thường những quy tắc trong cuộc sống, có những hành vi ngang ngược, càn quấy, bất chấp sự can ngăn của người khác, chỉ vì những nguyên cớ nhỏ nhặt nhưng cũng cố tình gây sự để phạm tội…” (Pháp luật TP.HCM online ngày 27/5/2010).
Hiểu như thế, rõ ràng A Vương đã hành xử côn đồ khi xâm hại sức khỏe của chị Phương và phải bị xem xét xử lý theo quy định tại điểm (i) khoản 1 Điều 104 BLHS.
2. A Vương có dấu hiệu phạm “tội làm nhục người khác” quy định tại Điều 121 BLHS: Theo đó, hành vi của A Vương đã xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của chị Phương. Và A Vương còn bị xem xét ở khung 2 của tội này với các tình tiết như lợi dụng chức vụ, quyền hạn (điểm c) và phạm tội nhiều lần (điểm a), đối với nhiều người(điểm b).
3. A Vương còn có thể bị xem xét dấu hiệu phạm “tội hành hạ người khác” theo Điều 110 BLHS: Theo Điều luật này, A Vương đã đối xử tàn ác với người công nhân dưới quyền mình, được xem là người lệ thuộc mình. Cũng như các điều luật trên, A Vương bị xem xét tình tiết “đối với nhiều người” (điểm b, khoản 2)
Nhân đây, chúng tôi cũng không đồng quan điểm với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa khi cho rằng “đây là quan hệ cá nhân” để tránh né trách nhiệm của Công ty. Vì lẽ, nếu A Vương không phải là chủ quản trong công ty thì liệu y có dám hành xử như vậy không? Và hàng nghìn công nhân có để yên cho hắn thực hiện các hành vi này không? Công ty đã giao quyền hoặc làm ngơ cho các các hành vi đàn áp, đánh đập công nhân… mà nay được kết luận là người ngoài cuộc!
Một Luật sư tại Sài Gòn
[1] Tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng là cơ sở xác định dấu hiệu tội phạm (khoản 3 Điều 100 Bộ luật Tố tụng hình sự)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét