Tính Luân Lý Của Việc Tạo Sinh (Phần VI)

Chương III: Một Số Vấn Nạn

I. Bào Thai Ðã Là Sự Sống Con Người Chưa?

Thật khó mà xác định sự sống của bào thai khởi đầu từ lúc nào. Xưa nay, khoa học và tôn giáo vẫn có những tranh luận về vấn đề này. Tuy nhiên, có một sự không hoàn toàn giống nhau về quan niệm giữa khoa học và tôn giáo. Các nhà khoa học thì quan tâm tới nguồn gốc của sự sống nơi thai nhi; còn tôn giáo thì lại quan tâm nguồn gốc của sự sống ấy. Hai từ khởi đầu và nguồn gốc thực ra có ý nghĩa không hoàn toàn đồng nhất. Nếu dùng từ “khởi đầu” (commencement) thì sẽ đặt câu hỏi: Khi nào sự sống bắt đầu hình thành trong thai nhi; còn nếu dùng từ “nguồn gốc” (orgine) thì sẽ đặt câu hỏi về nguồn cội, sự sống phát sinh từ đâu.

Do đó, ở đây chúng ta sẽ tìm hiểu về vấn đề “phôi thai hay bào thai đã là sự sống con người chưa?” dựa trên khám phá của khoa học, cách riêng là của ngành sinh – y học, thứ đến là xem một số quan điểm của các thần học gia và các học giả, và sau cùng là tiếng nói của Giáo Hội Công Giáo.

1. Những khám phá của ngành sinh – y học

Giới khoa học gia cũng không thể xác định chính xác sự sống bắt đầu khi noãn thụ tinh, hay vào tuần thứ 7, thứ 14, thứ 20, thứ 24 sau khi noãn thụ tinh? Những con số đó do các nhà khoa học đề ra. Tất cả lệ thuộc các tiêu chí đề ra để định nghĩa sự sống. Tuy nhiên, những khám mới sau đây của ngành sinh – y học sẽ cho ta một cái nhìn về sự khởi đầu của sự sống như thế nào.

a. Tiến trình phát triển Mầm Phôi (Pre-embryo)

Tinh trùng cần phải ở trong đường sinh sản của phụ nữ khoảng 7 giờ đồng hồ trước khi chúng sẵn sàng đâm xuyên qua các làn vỏ của trứng.

Sự thụ tinh thường xảy ra ở cuối ống dẫn trứng (fallopian tube) sát bên buồng trứng. Tinh trùng thường phải tiếp xúc với trứng trong vòng mười giờ, vì nếu không xảy ra sự thụ tinh trong vòng hai mươi bốn giờ, thì tinh trùng sẽ chết. Tuy nhiên, thụ tinh không chỉ đơn giản là việc tinh trùng chọc thủng vỏ của trứng. Hơn thế nữa, nó là một tiến trình sinh hoá phức tạp, mà qua đó, một tinh trùng chọc thủng dần dần các lớp vỏ khác nhau của trứng. Chỉ sau khi tinh trùng đơn độc này đã chọc thủng hoàn toàn trứng và nhân thể đơn bội cái (Haploid female nucleus) chỉ có một cặp nhiễm sắc thể đã phát triển, làm cho bào tương (cytoplasm) của trứng và các dung lượng nhân (Nuclear contents) của tinh trùng mới hoàn toàn hoà lẫn với nhau cho ra một thực thể với nhiễm sắc thể lưỡng bội (Diploid set of chromosome).

Tiến trình này được gọi là sự hợp-giao. Phải mất khoảng hai mươi bốn giờ để hoàn tất và cho ra đời một thực thể (Entity) gọi là hợp tử (Zygote – trứng thụ tinh). Vì thế, tiến trình này (điều quan trọng chúng ta cần phải ghi nhận: đây là một tiến trình) nói chung phải mất khoảng 12-24 giờ để hoàn tất và phải mất thêm 24 giờ khác nữa để nhân của hai thể đơn bội có thể hoà lẫn vào nhau.

Sự thụ tinh hoàn tất với 4 giai đoạn chính:

1/ Cho ra đời một thực thể đầy đủ 46 nhiễm sắc thể

2/ Xác định nhiễm sắc thể giới tính (sex chromosome)

3/ Thiết lập khả năng biến dị di truyền (genetic variability)

4/ Khởi sự tiến trình phân chia (cleavage), phân chia tế bào của thực thể.

Sau khi tinh trùng đã chọc thủng các lớp vỏ khác nhau của trứng thì bước kế tiếp là khởi sự tiến trình phân chia tế bào, trứng đã thụ tinh bắt đầu cuộc hành trình của mình đi từ ống dẫn trứng xuống tử cung. Khoảng 30 giờ sau khi thụ tinh, tế bào sẽ phân làm đôi, khoảng 40 – 50 giờ thì tế bào sẽ phân làm bốn, và khoảng 60 giờ sau thì tế bào sẽ phân làm tám. Khi phôi thai tiến vào tử cung thì có 12-16 tế bào ở giai đoạn phôi dâu (Morula). Các phôi dâu này xuất hiện vào ngày thứ tư. Xung quanh các ngày thứ sáu và thứ bảy, phôi bào (blatocyst) sẽ tiến tới vách tử cung (uterine wall) và bắt đầu tiến trình làm tổ (implantation) ở đó, nhờ thế nó có thể tiếp tục phát triển.

Tiến trình làm tổ này sẽ hoàn tất vào cuối tuần thứ hai. Có một yếu tố quan trọng mà chúng ta cần biết, đó là từ tình trạng phôi bào đến khi tiến trình làm tổ hoàn tất, mầm phôi vẫn có khả năng phân chia thành các thực thể đa phần (multiple entities) (điều này giải thích tại sao có hiện tượng sinh đôi). Chúng ta cũng cần ghi nhận rằng: trong các nhiễm sắc thể của nó, trứng đã thụ tinh không nắm giữ đầy đủ thông tin di truyền cần thiết để có thể phát triển thành một phôi thai – tiền thân của một thực thể nhân loại cá biệt. Ở giai đoạn này, hợp tử không tự tích lũy, cũng không tự cung cấp được gì cho sự phát triển lâu dài của nó. Ðể trở thành một phôi thai người, điều cốt thiết hơn cả là phải bổ sung thông tin di truyền vào những gì mà hợp tử yêu cầu.

b. Tiến trình phát triển Phôi Thai (Embryo)

Giai đoạn phát triển chính yếu kế tiếp là giai đoạn phát triển phôi thai. Giai đoạn này bắt đầu từ tuần thứ ba của thời kỳ thai nghén. Nó khởi sự với việc hoàn tất tiến trình làm tổ của mầm phôi ở vách tử cung và việc phát triển đa dạng các mô liên kết giữa mầm phôi và vách tử cung. Có hai công việc chính sẽ xảy ra ở giai đoạn này:

Thứ nhất là việc hoàn tất sự hình thành Phôi Vị (gastrulation) tái sắp xếp cách trật tự và phù hợp các tế bào ở phôi thai.

Thứ hai là tiến trình hình thành Phôi Thai (embryo-genesis) hay hình thành sinh thể (human organgenesis), bắt đầu từ tuần thứ ba và hoàn tất vào cuối tuần thứ tám. Tiến trình này dẫn đến kết quả là sự phát triển toàn bộ cơ quan nội tại và các cấu trúc chính bên trong và bên ngoài bào thai.

Từ lúc này, một đứa bé bắt đầu hiện hữu thật sự và kể từ giai đoạn đó, như lời giáo sư Jérome Lejeune nói: “Một sinh viên ngành Y mà không biết phân biệt được một con người với một con khỉ tinh tinh (chimpanzé) sẽ bị đánh trượt trong kỳ thi…”

Ðược 6, 7 ngày sau khi thụ tinh, thân hình đứa bé đo được 1,5 mm và lúc ấy, đứa bé đã có đủ khả năng chủ trì vận mệnh của nó, bởi vì, bằng một tín hiệu hoá học được gởi đi, đứa bé làm ngưng kinh kỳ của mẹ nó, bắt mẹ nó dành cho nó việc bảo vệ nó.

Cuộn tròn lại như một băng cát-xét tí hon, những sợi dây vi ti – nhìn thấy rõ qua làn kính hiển vi – là những phân tử ADN chứa đựng một tổng lượng thông tin lớn lao. Nhờ một cơ cấu tinh xảo và bí ẩn điều động các tế bào dần dần trở nên chuyên biệt:

- Toán một: lo cấu tạo hệ thống thần kinh và da.

- Toán hai: phụ trách hệ thống tiêu hoá: gan và lá lách (pancreas).

- Toán ba: bộ xương, quả tim, động mạch, cơ bắp.

Ngày thứ 17 sau khi thụ thai, đứa bé chỉ mới đó được 2mm, và chưa to bằng hạt lúa mì, tim đứa bé đã đập và sẽ đập mãi mãi cho đến lúc chết… Mẹ đứa bé chỉ mới trễ kinh cỡ hai hoặc ba ngày và chưa biết là đứa bé đang sống trong bụng mẹ. Nhưng qua kính hiển vi hiện đại, các chuyên gia có thể đoán được hai thuỳ bộ não của đứa bé, dưới một chút là khoang tim, tuỷ sống, nét tổng quát tay, chân của em…

Khoảng ngày thứ 26, các tay đứa bé xuất hiện. Khoảng ngày 28, đến phiên hai chân. Chẵn một tháng, thân mình đứa bé đó được 1 cm, nhưng nó đã lớn gấp 10.000 lần cái trứng thụ tinh đầu tiên. Tim nó đập 65 nhịp/phút và máu nó, hoàn toàn khác biệt máu mẹ nó, truyền đi khắp cơ thể của nó.

Ðến tuần thứ tư, đứa bé ở tình trạng chồi nụ, đôi tay nó tiến hoá rất nhanh. Ðược 5 tuần, lòng bàn tay nó tượng hình và chồi 5 ngón tay nó bắt đầu nhú ra. Ðược 6 tuần lễ, ngón tay cái của đứa bé đã tự lập, các ngón khác cũng hình thành rõ rệt.

Khi hai tay em đúng 7 tuần lễ, thì các ngón tay càng lớn dần lên và cứng cáp trong những tháng tới. Mỗi ngón tay đã có đường vân mạch lạc, làm cho không ai trên đời có chỉ tay giống nhau.

Khi đứa bé được đúng 8 tuần lễ, thì thân hình em dài cỡ 3 cm! Cánh tay và bàn tay của em đã hình thành rất rõ nét, hai chân và bàn chân em đang phát triển đâu ra đó. Bộ xương của đứa bé được cấu thành với các tế bào xương dần dần thay thế sụn. Mẹ em đã tắt kinh được một tháng rưỡi rồi. Qua ống nghe, bác sĩ có thể đếm được nhịp tim của đứa bé và ông cũng có thể thực hiện điện tâm đồ cho em (électrocardiogramme).

Như thế, đúng 10 tuần lễ, người ta có thể thấy được đôi bàn chân nhỏ xíu của em. Sau này, đến tuần thứ 14, dùng một loại kính lúp tốt, có thể phát hiện rõ ràng những đường chấm chấm của mạng lưới dấu ở đầu các ngón chân tí hon của em.

Cũng ở tuần lễ thứ 10, các mí mắt che cặp mắt em hiện rõ. Các mí mắt này vẫn còn khép chặt lại cho đến lúc em được sáu tháng tuổi. Hai phần của vòm miệng vẫn còn dính nhau ở khoảng giữa; phần trên cấu tạo ra giải hố mũi để thở, còn phần dưới cấu tạo ra cái miệng để nuốt. Cơ quan sinh dục phía ngoài cũng đã được hoàn tất: buồng trứng và tinh hoàn đã tích chứa được các noãn và tế bào gốc của tinh dịch. Thế là các thế hệ hậu lai đã được lập trình sẵn ngay từ lúc này.

Ðược 11 tuần lễ, khi mẹ em ngủ, em cũng ngủ. Nhưng em lại có thể đánh thức mẹ em dậy! Các tiếng động ồn ào bên ngoài có thể làm cho em giật mình tỉnh giấc! Em uống nhiều ngụm nước màng ối, nếu như nó ngòn ngọt, nhưng em không thèm uống nữa nếu em cảm thấy nó có vị đắng. Em mới chỉ đo được 6 cm, vậy mà em đã gần như được hoàn thành một cách mỹ miều!

Ðược 12 tuần lễ, em cân nặng 35 g và cao 10 cm! Nếu bị cù nhẹ vào trán, em quay đầu lại và cau mày. Nếu ai đụng nhẹ vào môi em, em có phản xạ mút và nuốt ngay. Thỉnh thoảng tay em lại đưa tới gần miệng để tìm cách mút. Em có thể xếp khuỷu tay và cổ tay lại được; hơn thế nữa, em còn có thể víu lấy một vật bé nhỏ. Vẫn tuổi đời 12 tuần lễ, toàn thân em đã có cảm giác khi bị ai sờ vào, trừ phía sau lưng và hai bên đầu em (có thể để phòng khỏi bị đau lúc sinh ra qua cửa mình người mẹ). Em uống nước màng ối và tiêu hoá các chất dinh dưỡng, nhờ các tuyến nước bọt, và hệ tiêu hoá. Em thở nhờ dây rốn của mẹ chuyền dưỡng khí cho em. Thỉnh thoảng, em cũng tuỳ nghi xả ra bớt những thứ cặn bã của em.

Ðược 14 tuần lễ tuổi đời, em bé đó được 12 – 13 cm. Các đường nét trên cơ thể của em trở nên ngày một tinh tế sắc sảo hơn. Từ tuần lễ thứ 15 – 16 trở đi, thân mình em sẽ phát triển với nhịp độ chậm lại, vì nếu em cứ tăng trưởng theo nhịp đó của các tuần lễ đầu, thì em sẽ cân nặng hơn 80 Kg lúc chào đời.

Lúc tuổi đời em được 17 tuần lễ, tầm vóc cao của em đo được 20 cm và cân nặng khoảng 140 – 150 g. Mẹ em cảm nhận rất rõ khi em quay cuồng nhào lộn trong “buồng phi hành vũ trụ” của em. Ðối với mẹ em, đây là thời kỳ an nhàn và hạnh phúc nhất trong toàn bộ giai đoạn thai nghén.

Khi em bé đã tròn 5 tháng tuổi, kích thước của em là 30 cm và cân nặng 500 g! Tóc em bắt đầu mọc. Lông mi xuất hiện và em hình thành cả các tuyến vú! Ðến lúc này, bác sĩ có thể làm được điện não đồ (électroencéphalo-gramme) cho em rồi! Mẹ em biết rõ được chính xác vị trí của em trong bụng mình. Em cũng có thể bị những cơn nấc cụt kéo dài từ 15 đến 30 phút!

Bây giờ em bé đã có thể chào đời rồi đấy, nhưng đó là “sinh non”

Phó Tế Nguyễn Văn Tâm, DCCT
Nguồn: catholic.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét