Phê bình thuyết vô thần của Karl Marx* (phần I)


lamhong - 1. FEUERBACH (1804-1872)
“Đối với Đức Quốc, việc phê bình tôn giáo qua những điểm căn bản được coi như đã hoàn tất”. Khi viết như thế nơi một trong những tác phẩm đầu tay, Marx muốn ám chỉ Feuerbach và tác phẩm nổi tiếng: “L’essence du chritianisme” (1841).

Chúng ta tạm bỏ qua nhiều điểm trong tác phẩm trên của Feuerbach, mà chỉ nêu lên những đường hướng chính trong việc phê bình tôn giáo của ông.
A. LÝ THUYẾT CỦA FEUERBACH
1. Tôn giáo phát sinh do khát vọng đạt tới một lý tưởng. Con người mang trong mình, dưới hình thức một khát vọng, một lý tưởng về sự hoàn hảo và hạnh phúc: Khôn ngoan, tình yêu vô vị lợi, ý thức công bằng. Con người nhận biết tính cách lý tưởng của những giá trị này khi họ so sánh một cách trực giác và lờ mờ tính chất vô cùng với những giới hạn của con người. “Con người cá nhân rất có thể và phải cảm thấy cùng nhận ra rằng mình hữu hạn, nhưng biết được như vậy là nhờ họcảm thấytrực giác hay quan niệm được sự hoàn hảo và tích cách vô cùng của chủng loại mình”.
2. Tôn giáo chỉ là thực tại hóa lý tưởng ấy: “ảo ảnh tôn giáo hệ tại ở chỗ ngoại xuất cái đối tượng nội tại trong tư tưởng chúng ta, nhằm thực tại hóa và nhân cách hóa đối tượng đó”. Các ưu phẩmthần linh chính là sự thực tại hóa các thuộc tính nhân loại không phải của mỗi cá thể nhưng của toàn thể chủng loại: Thượng Đế không gì khác hơn là lý trí xét dưới đặc tính tuyệt đối của nó.
 “Khôn ngoan, ý chí, công bằng, tình yêu, và con biết bao nhiêu thuộc tính vô cùng nữa, tất cả cấu tạo nên hữu thể riêng biệt của con người… và tự nhiên con người phóng ngoại chúng, khách thể hóa chúng thành một chủ thể huyền hoặc, một sản phẩm tưởng tưởng và họ gọi chủ thể ấy là Thượng Đế” (de Lubac). Do đó, cái khả niệm tối thượng trở thành “hiện thể thực sự nằm ngoài tư tưởng của ta, ở ngoài ta, nó tự thân và quy ngã”. “Thần linh chính là những ước muốn của con người đã được thực hiện”.
3. Thái độ của con người đưa đến những hậu quả thật tai hại, được cụ thể hóa dưới hai hình thức đặc biệt:
* Một sự trống rỗng của con người: Khi hành động như thế, con người tự “vong thân”. Lịch sử đã minh chứng cho thấy con người đã chối bỏ cái bản ngã tốt nhất của mình, đã tự “phi nhân hóa’. Con người trở nên nghèo đi khi làm giàu Thượng Đế. “Con người xác quyết nơi Thượng Đế điều mà họ chối bỏ nơi chính mình”. Khi gán cho một Hữu Thể ảo tưởng tất cả những khát vọng của mình, con người tôn giáo tự lột bỏ và đánh mất phần tốt nhất của mình cho một ảo tưởng, biến bản thể của họ càng trở nên nghèo nàn”.
* Hy vọng cứu rỗi có tích cách tôn giáo: Trở nên nghèo nàn trước một Thượng Đế giàu có bằng chính những thuộc tính của mình, con người mong đợi Thượng Đế ban hạnh phúc và thực hiện toàn vẹn những mơ ước của mình trong một thế giới bên kia đã được tạo ra vì mục đích đó.
4. Tất nhiên phải kết luận: Con người, để thực sự là người, phải phá hủy sự vong thân này, phải “giảm trừ sự nhị trùng hóa này”. “Tôi chối bỏ Thượng Đế, điều đó có nghĩa là tôi chối bỏ sự chối bỏ con người. Thay vào vị thế ảo tưởng, huyền hoặc, thiên giới của con người mà hậu quả tất yếu là sự chối bỏ con người trong đời sống thực tế, tôi lập lại vị thế khả giác, thực sự của con người. Vấn đề hiện hữu hay không hiện hữu của Thượng Đế đối với tôi chính là vấn đề hiện hữu hay không hiện hữu của con người”[1]
B. Phê bình chủ thuyết của Feuerbach
* Mặc dù dẫn chứng rất nhiều tài liệu, Feuerbach quả quyết nhiều mà không bao giờ chứng minhthực sự. “Ông dẫn chứng tài liệu không nhằm để làm nền tảng, nhưng chỉ dùng để minh giải những luận đề đã có trước. Ông đã phán quyết trước khi cầm bút: Tôn giáo chỉ có thể là một ảo tưởng”[2]
* Ông đã sử dụng khái niệm tôn giáo quá hàm hồ. Mọi tôn giáo đều được ông xếp chung vào phạm trù hữu thần. Ông không cố gắng để phân biệt Thượng Đế của đức tin Kitô giáo với các thần linh của những tôn giáo sơ khai. Bởi đó ông không tôn trọng thực tại lịch sử của sự kiện tôn giáo.
* Ông chủ trương trở về với con người cụ thể. Nhưng thực tế, ông chỉ nói về người như một chủng loại. Đối tượng đích thực của tôn giáo, theo ông, không phải là Thượng Đế nhưng là Yếu Tính lý tưởng của con người. Về điều đó, sau này Engels đã nói: “Việc tôn thờ con người trừu tượng là tâm điểm của tôn giáo mới theo Feuerbach”.
* Sai lầm trong nguyên tắc tri thức luận. Ông đưa ra một nguyên lý tổng quát: đối duy nhất của tri thức con người chính là bản tính con người và các thuộc tính của nó.
* Nếu như Feuerbach chủ trương, con người xét như một chủng loại có các thuộc tính vô cùng, thì tại sao con người lại gán chúng cho một hữu thể ở ngoài chủng loại người để biến đổi chúng thành một chủ thể gọi là Thượng Đế? Và nếu sự vong thân tôn giáo gắn liền với yếu tính con người, làm sao Feuerbach có thể thoát khỏi được?
* Những khả năng ấy (tình yêu, tri thức…) con người không làm chủ chúng được, bởi vì không có chúng con người không là gì hết… Chúng là những yếu tố căn bản của con người và con người không thể chiếm hữu cũng không thể tạo ra chúng được… Chúng là những sức mạnh tuyệt đối và thần linh”. Nhưng như vậy thì những sức mạnh đó từ đâu đến?
* Lẫn lộn giữa khái niệm nguyên nhân tính nơi Thượng Đế với nguyên nhân tính của các hữu thể hữu hạn. Theo ông, sự quan phòng của Thượng Đế hủy diệt sáng kiến và tự do của con người. Feuerbach không biết đến nguyên nhân sáng tạo và đại lượng đã ban cho con người chính sự tự do sáng tạo của mình.
II. KARL MARX (1818-1883)
A. Marx đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Feuerbach. Ông đã phê bình Feuerbach cách tỉ mỉ. Dù sao ông cũng đã chấp nhận một vài điểm và cũng phủ nhận một số ý tưởng của Feuerbach.
Marx ca ngợi Feuerbach về những điểm sau đây:
* Chủ thuyết duy vật chống lại chủ thuyết duy tâm của Hegel.* Trở về những vấn đề đích thực, đó là những vấn đề con người.* Giải thích tôn giáo bằng vong thân và ảo tưởng.
Nhưng Marx lại tố cáo Feuerbach về những sai lầm sau đây:
* Thay thế con người cụ thể bằng một thể thức tưởng tượng, trừu tượng: đó là chủng loại người.* Bỏ qua tính cách lịch sử và xã hội của con người, cũng như vai trò ưu tiên của những cơ cấu kinh tế trong nền văn minh nhân loại.Không chú tâm đến biện chứng pháp ảnh hưởng đến vật chất và lịch sử.Không chú ý đến sự giải phóng con người về phương diện pháp lý, luân lý và chính trị; không biết đến vai trò thiết yếu của cách mạng.Không am tường nguyên nhân đích thực gây nên cảnh huống khốn cùng của nhân loại.
Do đó Feuerbach không nhận ra những phương thế thực tiễn để giải thoát con người khỏi cảnh khốn cùng và làm cho con người được hạnh phúc.
B. Phê bình tôn giáo và thượng đế của Marx
1. Khác với Feuerbach, cả Marx lẫn Engels đều không muốn phê bình tôn giáo như một kẻ thông thạo vấn đề. Đối với duy vật lịch sử, tôn giáo chỉ diễn tả trạng huống căn bản, trong đó con người là nạn nhân một nền kinh tế vô nhân đạo và bị vong thân về phương diện xã hội. Thế nên tôn giáo phải biến mất khi trạng huống nói trên chấm dứt.
Đặc biệt Marx không hề bàn cãi suông những vấn đề tôn giáo. Ngoại trừ vài hàng ở cuối luận án tiến sĩ của ông[3]. Người ta sẽ  không bao giờ thấy Marx bài bác những lý chứng về sự hiện hữu của thượng đế. Dường như đối với ông, vấn đề này được xác quyết tiên thiên rồi. Phê bình của Marx về ý tưởng Thượng Đế và về tôn giáo thực ra nhằm vạch trần những điệu kiện xuất hiện cụ thể và những hậu quả tai hại của chúng. Tôn giáo, ý tưởng Thượng Đế ở đây chỉ được xem như những hiện tượng, những sự kiện cần xác định nguyên nhân và hậu quả. Marx không hề khảo sát và bàn cãi về giá trị chân lý của tôn giáo. Như thế chúng ta vẫn còn ở ngoài vấn đề.
2. Chủ thuyết của Marx là một chủ thuyết duy vật biện chứng và lịch sử.
* Duy vật biện chứng: Vật chất không phải  là một thực thể tự nó bất động, và một lúc nào đó nó sẽ chuyển động một cách huyền bí như phái Descartes chủ trương. Vật chất vốn biến dịch dưới ảnh hưởng của trương lực nội tại không ngừng nhảy vọt từ một trạng thái này đến trạng thái khác đối nghịch, để rồi đi đến một tổng hợp nối kết chúng lại trên một bình diện cao hơn. Rồi đến lượt, tổng hợp này lại phân tán để đi đến một tổng hợp khác cao hơn nữa và cứ như thế mãi mãi mà không bao giờ đạt tới quân bình tối hậu. Như vậy có sự tiến bộ về phẩm tính, có trổi vượt thật sự. Mọi sự không giản lược vào những thay đổi thuần chất lượng, hay đúng hơn, chính những thay đổi chất lượng này khi đạt tới một trình độ nào đó thì phát sinh (theo biện chứng pháp trung thực của Hegel) những thay đổi về phẩm tính. Vậy sự sống là cái gì còn cao hơn một chuỗi những phản ứng thuần vật lý học, và ý thức cao hơn những phản ứng thuần sinh vật học. Những trạng thái thượng đẳng và đặc biệt những trạng thái gắn liền với sự xuất hiện của ý thức, tạo thành thượng tầng cơ sở này. Những thượng tầng cơ sở này – ở một mức độ nào đó mà những người theo chủ nghĩa Marx chưa định rõ -, đều tự trị đối với những hạ tầng cơ sở, và có thể tác động trên hạ tầng cơ sở. Tuy nhiên chúng không thoát khỏi những ảnh hưởng có tính cách tất định của hạ tầng cơ sở. Mặc dù có sự bất ổn giữa hai trạng thái, nhưng sau cùng những điều kiện vật chất luôn nắm phần ưu thắng[4].
*Duy vật lịch sử: Cũng như mọi biến đổi của các thượng tầng cơ sở lịch sử bị chi phối và quy định bởi những hiện tượng căn bản, nghĩa là “những hiện tượng trực tiếp gắn liền với những hoạt động vật chất nhất, đó là những hiện tượng kinh tế. Nói rõ hơn, đối với chủ thuyết của Marx, con người chính là một hữu thể tự tạo lấy mình bằng cách sản xuất những phương thế sinh tồn. Chính những phương pháp, những dụng cụ và những tương quan sản xuất khác nhau cắt nghĩa tận nguồn những thay đổi xã hội, chính trị và văn hoá. “Máy xay bằng tay tạo nên xã hội lãnh chúa, máy xay hơi nước tạo nên xã hội với kỹ nghệ tư bản”[5].
Những hiện tượng tôn giáo cũng chỉ là phản ảnh các biến đổi kinh tế. Đạo Công Giáo gắn liền với cơ cấu của thời phong kiến, cũng như đạo Tin Lành gắn liền với những cơ cấu của kỷ nguyên tư bản. Sự xuất hiện độc thần giáo là kết quả của toàn bộ những yếu tố sản xuất. Mặc dù có nhiều xáo trộn, nhưng ít ra ta thấy thái độ tôn giáo nói chung, ý tưởng về Thượng Đế vẫn tồn tại đến nay. Sự tồn tại này chỉ nói lên sự tồn tại của một tình trạng kinh tế căn bản mà trong đó con người không thể là người hoàn toàn, trong đó con người bị vong thân.
Đối với chủ thuyết của Marx, đó là nguồn gốc đích thực của ý tưởng Thượng Đế. Sở dĩ con người cảm thấy cần phải giả thiết một hữu thể để mình lệ thuộc và được giúp đỡ trong lúc thiếu thốn, chính là vì con người không tìm thấy nơi mình cái thực thể toàn vẹn của mình, cái lý tính viên mãn của mình. Họ ý thức rằng mình không tự thỏa mãn, và để ra ngoài một phần bản thể của mình. Thế mà chủ thuyết của Marx muốn giải thích ý thức đó bằng những yếu tố kinh tế. Cái phi lý của cuộc hiện sinh, cái vô lý của kiếp sống cụ thể, việc sản xuất bừa bãi, việc phân công cho dù là cần thiết, tất cả đã sinh ra sự chia rẽ và đối nghịch giữa các giai cấp: Kẻ thành thị người thôn quê, kẻ cai trị người bị trị, giới trí thức và hạng thợ thuyền, trưởng giả và vô sản. Mỗi lớp như thế đánh mất tất cả sự phong phú của con người mà giai cấp đối lập đang đặc hưởng. Như vậy, con người cảm thấy mình bị tách chia, bị phân xé. Bản tính con người phần nào trở nên xa lạ với chính mình. Nó bị vong thân. Con người không cảm thấy xã hội như một thực thể phần nào nội tại với chính mình, như điều kiện tối thượng giúp mình thăng tiến đầy đủ, và cũng không thấy rằng quyền lợi của xã hội cũng là của mình. Xã hội đối với con người như là một sức mạnh ngoại tại, xa lạ với cuộc sống cụ thể của họ. Xã hội đó chính là quốc gia.
Ý tưởng Thượng Đế được coi như sự phóng ngoại huyền hoặc của việc vong thân căn bản này. Nó nói lên cảnh khốn cùng của giai cấp bị trị, đồng thời cũng là khí cụ để giai cấp thống trị kéo dài quyền thống trị của mình.
“Tôn giáo là ý thức và cảm thức con người  có về chính mình khi họ chưa đạt tới chính mình hoặc đã đánh mất chính mình. Nhưng  con người lại không phải là một hữu thể trừu tượng đứng ngoài thế giới. Con người chính là thế giới của con người, là quốc gia, là xã hội. Quốc gia ấy, xã hội ấy sản xuất ra tôn giáo và tôn giáo là một tình trạng ý thức về thế giới phi lý, bởi vì quốc gia, xã hội này là một thế giới phi lý. Tôn giáo là lý thuyết tổng quát về thế giới ấy…, là sự thể hiện huyền hoặc của con người, bởi vì con người không sở hữu một thực tại đích thực… Sự khốn cùng của tôn giáo một đàng biểu lộ sự khốn cùng trong thực tế, đàng khác lại là phản kháng chống lại chính sự khốn cùng trong thực tế ấy. Tôn giáo là tiếng thở dài của tạo vật bị áp chế, là linh hồn của một thế giới không hồn, cũng như là tinh thần của một nền văn minh mà tinh thần đã bị trục xuất. Tôn giáo là thuốc phiện mê dân”[6].
Tiếp đó, Marx và Angels xác định rõ ràng  tư tưởng của mình về nguồn gốc lịch sử tôn giáo. Đối với những xã hội sơ khai, kém mở mang về kinh tế, nếu đem gắn những yếu tố cố định về kinh tế cho những niềm tin tưởng huyền hoặc nơi những tâm thức ngu dốt, thì thật là buồn cười. Ta chỉ có thể nói rằng sự kém mở mang tri thức làm nảy sinh những điều huyền hoặc trên, chính là con đẻ của một nền kinh tế kém mở mang[7]. Như vậy, “tôn giáo phát sinh vào một thời kỳ rất xa xưa, thời của những biểu tượng sơ khai lệch lạc của con người, liên quan đến chính bản tính con người và thiên nhiên bao chung quanh”[8]. Như thế những người theo chủ thuyết của Marx đã không đưa ra lý thuyết nào đặc biệt về nguồn gốc lịch sử tôn giáo: Marx và Angels chỉ dựa vào những lối giải thích thông thường thời ấy (thuyết duy hồn, duy nhiên). Trái lại, đối với những xã hội lich sử có nền kinh tế mở mang và phân chia giai cấp, thì những yếu tố kinh tế đã có ảnh hưởng thực sự. Trong những xã hội này, giai cấp thống trị cố bảo tồn, phát triển và sử dụng những ý thức hệ phi lý của thời kỳ sơ khai để thụ lợi.
3. Giải thích nguồn gốc tôn giáo như thế cũng chính là kết án tôn giáo. Tôn giáo không phải chỉ là ảo tưởng mà còn tai hại nữa. Nó tước đoạt nhân tính và phẩm tính của con người để mặc cho một hữu thể tưởng tưởng[9]. Nó hạ thấp con người khi tạo cho con người một ý thức về tội lỗi, khi dạy con người phải khiêm tốn, khi làm cho con người cảm thấy mình đáng khinh bỉ, coi những khuynh hướng tự nhiên và vô tội nhất nơi mình như là xấu xa ác hại[10]. Nhất là khi cung cấp cho con người một sự an ủi giả dối và ru ngủ họ bằng một niềm hy vọng hảo huyền, tôn giáo làm cho con người không còn cố gắng và chiến đấu cho những lợi ích thực tế, cho sự giải phóng thực sự. Tôn giáo “huyền hoặc hóa” con người.
Chính vì thế “hạnh phúc của con người đòi phải hủy diệt tôn giáo, một thứ hạnh phúc giả tạo của quần chúng. Phải chối bỏ những ảo tưởng về tình trạng của chính mình, chính là phải chối bỏ một tình trạng đang cần đến ảo tưởng. Như vậy, phê bình tôn giáo cũng là phê bình cái thung lũng nước mắt này bởi vì hình ảnh hào nhoáng của nó là tôn giáo”[11].
4. Tuy nhiên, mặc dù sự phê phán tôn giáo là điều kiện tiên quyết của mọi phê phán khác[12], mặc dù phải chiến đấu chống lại tôn giáo, nhưng không cần phải dùng đến những biện pháp mạnh. Vì tôn giáo chỉ là phản ảnh của một thế giới, trong đó con người chưa hoàn toàn là người, nên nó sẽ tự động biến mất khi thế giới này trở nên nhân bản hơn. Sự vong thân đã lên đến tột độ trong hàng ngũ vô sản, hậu quả của hệ thống tư bản, nhưng chính từ hàng ngũ này sẽ nẩy sinh ra con người mới. Kết tinh mọi mình thức vong thân của con người trong chính sự vong thân của mình, giới vô sản sẽ chặn đứng mọi hình thức vong thân khi tự giải phóng chính mình. Mâu thuẫn từ bên trong (chênh lệch giữa sự phát triển các khả năng sản xuất và quan niệm cũ về sở hữu) chủ nghĩa tư bản sẽ tự động sụp đổ trước kẻ thù chính nó tạo ra. Lúc đó sẽ xuất hiện một xã hội “vô giai cấp”, trong đó không còn những xung đột, và con người sẽ thực hiện được trọn vẹn nhân tính của mình. Hoàn toàn hòa giải với chính mình, hoàn toàn mãn nguyện với chính mình, con người sẽ không nghĩ đến việc tìm kiếm một nguồn an ủi ảo tưởng nữa.
“Trong tương lai, nhờ có mọi phương tiện sản xuất và sử dụng chúng một cách có phương pháp, xã hội sẽ tự giải phóng mình và giải phóng mọi phần tử khỏi vòng nô lệ hiện nay đang trói buộc mình bằng những phương tiện sản xuất mà chính xã hội đã sản xuất ra, nhưng lại bị chúng đối nghịch lại như một ngoại lực cao hơn. Con người sẽ không chỉ suy tư, mà còn cai trị nữa. Chỉ khi đó ngoại lực cuối cùng còn phản ảnh trong tôn giáo mới biến mất, đồng thời chính phản ảnh tôn giáo cũng biến mất, vì lý do giản dị là không còn đối tượng để phản ảnh nữa”[13].
5. Chủ thuyết của Marx là một nhân bản thuyết vô thần hoàn bị nhất.
Chưa bao giờ sự tự mãn của con người đã được xác quyết một cách sâu xa và khai triển một cách mạch lạc như vậy. Thượng Đế đã bị loại bỏ vì liên đới với một loại thân phận con người nào đó mà chủ thuyết của Marx không những muốn thấu hiểu mà còn loại trừ.
Dường như Marx nghĩ rằng sự cần thiết xác nhận Thượng Đế phải gắn liền với một hiện trạng căn bản hơn sự vong thân về mặt kinh tế: đó là hiện trạng của hữu thể hữu hạn và bất tất. Marx quan niệm như thế bởi vì thuyết nhân bản kiểu prométhée của ông không thể chấp nhận một giả thuyết cho rằng con người không phải là hữu thể tối thượng, không phải là vạn năng trong bản tính thực sự là người của họ.
“Sự phê bình tôn giáo đưa đến học thuyết chủ trương rằng con người là hữu thể tối thượng đối với con người, do đó nhất thiết phải lật đổ mọi tương quan xã hội, trong đó con người là một hữu thể bị hạ giá, ức chế, bỏ rơi, đáng khinh bỉ”[14]. 
(còn tiếp)

* Tiêu đề do Lam Hồng đặt. Trích từ cuốn Con người và vấn đề Thượng Đế của Lm. Louis Leahy, S.J, Phân khoa Thần học, Giáo hoàng Học viện thánh Piô X, Đà Lạt, Việt Nam 1974. Bản điện tử do Lam Hồng thực hiện.

[1]. x. JAMES COLLINS, God is Modern Philosophy, Chicago 1959: Feuerbach’s humanizing of hegelian absolute, tr 239-249.
[2]. x. H. GOLLWITZER, Athéisme marxite et foi chrétienne, Paris 1965, tr 78.
[3]. K. Marx, Différence de la philosophie de la nature chez Démocrite et chez Épicure, Tuyển Tập 3, trong Œuvres philosophiques, bản dịch MOLITOR, quyển I, Paris, tr. 80. Marx-Engels Gesanr-tausgbabe (Mega); Iste Abteil, bản dịch 1, tr. 80-81.
[4] x. Lettre à Heinz Starkenburg, 25-1-1894, trong MARX-ENGELS, Etudes philosophiques, Paris 1935, tr. 162…
[5] x. K.MARX, Misère de la philosophie, MEGA, I, bản dịch 6, tr. 179 
[6] K. Marx, Contribution à la critique de la philosophie du droit de Hegel, bd. Molitor I, tr. 83-84; bản dịch sửa chữa theo Mega, Marx-Engels Gesamtausgabe, I, bd I, tr. 607.
[7] x. ENGELS, Lettre à Conrad Schmidt, 27-10-1890, trong K. Marx. F. Etudes philosophiques, Paris 1935, tr 157.
[8] X. ENGELS, Ludwig Feuerbach, tr. 63.
[9] x. La Sainte Famille, ch VIII, 2 B, MOL. III, tr. 56-59; MEGA, I, Ed 3, tr. 350-351, nói về “Fleur de Marie”, nhân vật trongMystère de Paris, của EUGENE SUE.
[10] Sđd. tr. 61-62; MEGA, 352-353.
[11] X. Contribution à la critique de la philosophie du droit de Hegel, MOL, I, tr. 14. MEGA, I, tr. 607-608.
[12] Sđd, tr. 83; MEGA; tr. 607.
[13] x. ENGELS, Anti-Durhing, III, ch. 5; bản dịch BRACKE, III.
[14] x. La Sainte Famille.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét