Lời Chúa và GHXH: Xây dựng “nền văn minh tình thương”

Trọng tâm bài Phúc âm Chủ nhật 30 thường niên năm A là giới răn kép “mến Chúa yêu người” do chính Đức Giêsu tuyên bố. Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo trong 2 đoạn 580 và 581 trình bày quan điểm của Giáo hội về vấn đề xây dựng xã hội: xây dựng một “nền văn minh tình thương”. Như các bài trước, chúng tôi phân tích, tóm lược các ý trong đoạn văn trong quyển Tóm lược được trích dẫn trong bài giảng của Đức ông James M. Reinert mà chúng tôi dịch dưới đây. Để tìm hiểu về nguồn gốc cụm từ “nền văn minh tình thương”, xem bài Xuất xứ diễn nghĩa “Nền Văn minh Tình thương”.

580. Học thuyết xã hội của Giáo Hội đề nghị những nguyên tắc và những giá trị xây dựng một xã hội xứng đáng với con người.

- Liên đới là nguyên tắc cơ bản của quan điểm Kitô giáo về việc tổ chức xã hội và chính trị.

- Liên đới được soi chiếu bởi tình yêu, dấu hiệu đặc trưng của người môn đệ Đức Kitô.

- Tình yêu là trọng tâm giúp con người phát triển toàn diện về mặt nhân bản.

- Chân lý này cũng áp dụng trong xã hội: tình yêu là sức mạnh duy nhất giúp hoàn thiện bản thân và hoàn thiện xã hội và hướng dẫn lịch sử hướng đến thiện ích.

581. Tình yêu phải hiện diện và thâm nhập mọi quan hệ xã hội.

- Bác ái Kitô giáo là sự hoàn thành bộ luật Tin Mừng.

- Hoa trái của bác ái Kitô giáo:

· Tận tụy phục vụ tha nhân

· Linh dược chữa trị thói kiêu căng

· Linh dược chữa trị tính tự ái và thói ích kỷ thái quá.

- Tình yêu này được gọi là "bác ái xã hội" (Đức Pi-ô XI, Thông điệp Tứ thập niên) hoặc "bác ái chính trị" (Đức Phaolô VI, Tông thư Bát thập niên, 46).

- Tình yêu này là phương thuốc chữa trị chủ nghĩa cá nhân: tính ích kỷ là kẻ thù tai hại nhất đối với xã hội có trật tự.

Các bài đọc Chúa nhật 30 TN A

Xh 22,20-26 ; Tv 17 ; 1 Tx 1,5c-10 ; Mt 22,34-40.

Bài đọc 1 Xh 22,20-26

20 Đức Chúa phán thế này : Người ngoại kiều, ngươi không được ngược đãi và áp bức, vì chính các ngươi đã là ngoại kiều ở đất Ai-cập.21 Mẹ goá con côi, các ngươi không được ức hiếp. 22 Nếu ngươi ức hiếp mà nó kêu cứu Ta, ắt Ta sẽ nghe tiếng nó kêu cứu. 23 Cơn giận Ta sẽ bốc lên, Ta sẽ cho gươm chém giết các ngươi : thế là vợ các ngươi sẽ thành goá bụa, và con các ngươi sẽ thành côi cút.

24 Nếu ngươi cho một người trong dân Ta, một người nghèo ở với ngươi vay tiền, thì ngươi không được xử với nó như chủ nợ, không được bắt nó trả lãi.

25 Nếu ngươi giữ áo choàng của người khác làm đồ cầm, thì ngươi phải trả lại cho nó trước khi mặt trời lặn.26 Nó chỉ có cái đó để đắp, để làm áo che thân ; nó sẽ lấy gì mà ngủ ? Nó mà kêu cứu Ta, Ta sẽ nghe nó, vì Ta vốn nhân từ.

Bài đọc 2 1 Tx 1,5c-10

5c Thưa anh em, anh em biết, khi ở với anh em, chúng tôi đã sống thế nào để mưu ích cho anh em ; 6 còn anh em, anh em đã bắt chước chúng tôi và noi gương Chúa, khi đón nhận lời Chúa giữa bao nỗi gian truân với niềm vui do Thánh Thần ban : 7 bởi vậy anh em đã nên gương cho mọi tín hữu ở miền Ma-kê-đô-ni-a và miền A-khai-a. 8 Quả thế, từ nơi anh em, lời Chúa đã vang ra, không những ở Ma-kê-đô-ni-a và A-khai-a, mà đâu đâu người ta cũng nghe biết lòng tin anh em đặt vào Thiên Chúa, khiến chúng tôi không cần phải nói gì thêm nữa. 9Khi nói về chúng tôi, người ta kể lại chúng tôi đã được anh em tiếp đón làm sao, và anh em đã từ bỏ ngẫu tượng mà quay về với Thiên Chúa thế nào, để phụng sự Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa thật, 10 và chờ đợi Con của Người từ trời ngự đến, người Con mà Thiên Chúa đã cho trỗi dậy từ cõi chết, là Đức Giê-su, Đấng cứu chúng ta thoát cơn thịnh nộ đang đến.

Tin Mừng Mt 22,34-40

34 Khi nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. - 35Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: 36 "Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất ?" 37 Đức Giê-su đáp : "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. 38 Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. 39 Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: " Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. 40 Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy."

Trong cả ba bài đọc Chúa nhật 30 TN A hôm nay, ta thấy có ba bài học về cách làm thế nào "giữ vững đức tin của chúng ta", rất tương tự mặc dù thoạt nghe thì rất khác nhau.

Trong sách Xuất hành, ta nghe Mô-sê dạy bảo người Ít-ra-en cách thức cư xử là hãy hành động với tư cách dân được chọn của Thiên Chúa. Ông nhắc nhở họ rằng họ là kiều dân giữa một dân tộc xa lạ, chớ nên đối xử với người khác như họ đã từng bị đối xử trong những năm nô lệ bên Ai cập. Mô-sê cảnh báo người Ít-ra-en rằng Thiên Chúa Cha đang canh giữ họ và Người sẽ phạt những kẻ nào không tuân giữ các điều răn của Người.

Thánh Phaolô nhắc dân chúng thuộc Cộng đồng các Ki tô hữu ở Thê-xa-nô-ni-ka và vùng xung quanh rằng họ đã được chúc phúc khi họ biết bám giữ lấy giữ đức tin. Ông vui mừng vì đức tin của họ đã thể hiện đức tin một cách mạnh mẽ đến nỗi họ đã trở nên mẫu gương cho những người tiếp xúc với họ… ngay cả khi họ phải chịu đựng và đối mặt với những cơn bắt bớ, áp bức.

Sau cùng, trong Phúc âm, Đức Giêsu bảo những đám đông tụ tập rằng không có gì quan trọng hơn mối tương quan của ta với Thiên Chúa và mở rộng ra, tình bạn giữa chúng ta với nhau. Lời Đức Giêsu vang vọng giáo huấn của Cựu ước – hãy dành cho Thiên Chúa sự tôn trọng thuộc về Người là Cha trên Trời của tất cả dân tộc và toàn thể tạo thành.

Thánh Mát-thêu bảo ta rằng những "chất vấn" đối với Đức Giêsu thực ra là những "mưu sâu" của các nhóm Phi-ri-sêu, nhóm Xa-đốc và nhóm Hê-rô-đê – các đảng phái chính trị trong giới lãnh đạo tôn giáo của nhân dân.

Khi thuật chuyện "một trong những thử thách" của Thánh Phaolô, trong Công vụ Tông đồ (23,1), Thánh Lu-ca viết rằng "hội đồng" gồm những người Xa-đốc và Pha-ri-sêu đâm ra chia rẽ, khó mà đi đến đồng thuận trước sứ điệp do Phaolô rao giảng. Cả hai nhóm diễn giải các điều răn và Kinh thánh khác nhau vì thế họ khác nhau về niềm tin, nhất là việc thực hành đức tin như thế nào.

Như thường thấy trong Phúc âm, "tâm địa khép kín" của các giới chức có thẩm quyền khiến cho họ không tài nào hiểu được sứ điệp Đức Giêsu đang chia sẻ. Trong khi Đức Giêsu nói về các điều răn và tình yêu ta phải có đối với một Thiên Chúa chân thật và duy nhất và đối với nhau thì nhóm Xa-đốc và Pha-ri-sêu chỉ có thể tự hỏi làm thế nào để trừ khử được Người.


“Mục tiêu trước mắt của học thuyết xã hội của Giáo Hội là đề nghị những nguyên tắc và giá trị có thể duy trì một xã hội xứng đáng với con người. Trong số những nguyên tắc ấy, nguyên tắc liên đới bao gồm tất cả mọi nguyên tắc khác một cách chắc chắn. Nguyên tắc này tượng trưng cho “một trong những nguyên tắc căn bản của quan điểm Kitô giáo về việc tổ chức xã hội và chính trị”.

Ánh sáng chiếu rọi trên nguyên tắc liên đới là tính ưu tiên hàng đầu của tình yêu,“dấu hiệu đặc trưng của người môn đệ Đức Kitô” (x. Ga 13,35). Đức Giêsu dạy chúng ta rằng “luật căn bản để hoàn thiện con người và qua đó để biến đổi thế giới là điều răn mới về tình yêu” (x. Mt 22,40; Ga 15,12; Cl 3,14; Gc 2,8). Cách hành xử cá nhân sẽ mang trọn vẹn tính người khi phát sinh từ tình yêu, biểu lộ tình yêu và hướng về tình yêu. Sự thật này cũng áp dụng trong phạm vi xã hội; các Kitô hữu cần phải là những nhân chứng xác tín sâu xa về tình yêu, và qua cuộc sống của mình, họ cần chứng tỏ rằng tình yêu là động lực duy nhất (x. 1 Cr 12,31.14,1) có khả năng dẫn đến sự hoàn thiện bản thân và xã hội, làm cho xã hội tiến tới điều thiện hảo (580).

Tình yêu phải hiện diện và thâm nhập mọi quan hệ xã hội. Điều này đặc biệt đúng đối với những ai có trách nhiệm mưu cầu ích lợi cho mọi người. Chính họ “cần phải yêu thương cách mạnh mẽ và cố gắng đánh động nơi người khác lòng bác ái, là bà chủ và là nữ hoàng của các đức tính. Vì những kết quả tốt đẹp mà tất cả chúng ta đều mong đợi cần phải được rút ra chủ yếu từ nguồn suối dạt dào của lòng bác ái, một lòng bác ái Kitô giáo thật sự chính là sự hoàn thành toàn bộ luật Tin Mừng, là yêu đến mức luôn sẵn sàng hy sinh chính mình vì lợi ích của người khác và đó cũng chính là liều thuốc giải độc bảo đảm nhất của con người để chống lại tính kiêu căng của trần thế và thói tự ái vô độ”. Tình yêu này có thể gọi là “bác ái xã hội” hay “bác ái chính trị” và cần phải bao trùm toàn thể nhân loại”. “Tình yêu xã hội” là phản đề đối với chủ nghĩa vị kỷ và chủ nghĩa cá nhân. Dù không có ý tuyệt đối hoá đời sống xã hội, như những quan điểm thiển cận tự hạn chế chính mình vào những giải thích chỉ mang tính xã hội học, chúng ta cũng không được quên rằng sự phát triển toàn diện con người và sự tăng trưởng xã hội đều có ảnh hưởng hỗ tương lên nhau. Vì thế, ích kỷ là kẻ thù hiểm độc nhất của một xã hội có trật tự. Lịch sử đã cho thấy lòng người trở nên cằn cỗi như thế nào khi những người nam nữ không có khả năng nhận ra những giá trị và những thực tại hữu hiệu nào khác ngoài những của cải vật chất, chính nỗi ám ảnh đi tìm của cải vật chất làm chết ngạt và cản trở khả năng trao ban chính mình của con người” (581).

Ta biết các điều răn và với tư cách những người có đức tin, ta không thể để cho tâm trí của ta bị tối sầm lại vì tính ích kỷ. Các bài đọc ngày hôm nay nhắc ta rằng ta đã được kêu gọi hãy yêu thương nhau vì tình yêu của ta đối với Thiên Chúa và tình yêu của Thiên Chúa đối với ta.

Đức Giêsu đã ban cho ta tặng ân là sự sống của Người và Người hứa luôn luôn ở cùng chúng ta. Ta nợ Người món nợ tình yêu và khi ta tuân giữ các điều răn Người ban cho ta, thì ta có trách nhiệm yêu thương người gần bên.
Đức ông James M. Reinert
Đan Quang Tâm dịch
Nguồn: GHXHCG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét