NHÂN VỊ
1. Nhân vị và nhân phẩm theo cái nhìn chung của nhân loại
Người ta thường hiểu con người là con vật có lý trí. Và câu chuyện trong dân gian Việt nam cũng hiểu như thế (chuyện Con cọp và người nông phu). Khi muốn hạ giá người nào, người Việt Nam chúng ta đưa về con vật : ăn như heo…
Nhân vị
Khi nói tới nhân vị chúng ta thường hiểu mỗi cá nhân của xã hội loài người là một nhân vị, là chủ thể của quyền lợi và nghĩa vụ. Nhân vị dành cho con người nên phải hiểu đó là cá nhân có ý thức và tự do. Vì thế mỗi cá nhân phải được đối xử bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, không phân biệt phái tính, chủng tộc, v.v…Nhân vị không biệt lập nhưng hướng về nhân vị khác, thông hiệp với nhân vị khác.
Nhân phẩm
- Nhân phẩm là phẩm giá con người, là giá trị tinh thần của một cá nhân với tính cách là một con người.
(Trích từ bài TÔN TRỌNG NHÂN PHẨM trên mạng)
- Nhân phẩm chính là những giá trị phản ánh và tạo nên phẩm chất của từng cá nhân. Mỗi con người đều có những giá trị nhất định.
- Người có nhân phẩm là người có danh dự và sẽ được cộng đồng xã hội tôn trọng và đánh giá cao. Người tự đánh mất nhân phẩm, danh dự của mình sẽ là người bị cộng đồng coi thường và đánh giá thấp.
- Người biết tôn trọng nhân phẩm là người có lòng tự trọng, biết đấu tranh và có thái độ không đồng tình với những hành vi xâm hại hoặc chà đạp lên nhân phẩm của người khác và của bản thân.
2. Con người theo cuốn Tóm lược
2.1 Con người được Thiên Chúa tạo dựng
Nhân vật chính của toàn bộ đời sống xã hội là chính con người. Con người nên và phải luôn luôn là chủ thể, là nền tảng và là mục tiêu của đời sống xã hội. (số 106) HTXH triển khai nguyên tắc : con người có phẩm giá bất khả xâm phạm. (số 107) Con người có phẩm giá của một ngôi vị, có khả năng biết mình, làm chủ mình và tự nguyện hiệp thông với người khác. (số 108)
Khởi đi từ điều mọi người công nhận, Giáo hội cho biết con người được kêu gọi để có tương quan với Thiên Chúa. "Thực vậy, con người không lầm lẫn khi họ nhận biết mình cao cả hơn vũ trụ vật chất và không coi mình chỉ như một mảnh vụn của thiên nhiên hay như một phần tử vô danh trong xã hội loài người. Bởi vì nhờ có nội giới, con người vượt trên mọi vật. Khi con người quay về với lòng mình tức là họ trở về với nội giới thâm sâu nầy, ở đó Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm hồn, đang chờ đợi họ, và cũng nơi đó chính con người tự định đoạt về vận mệnh riêng của mình dưới con mắt của Thiên Chúa" (GS 14).
Cũng trong Hiến chế "Vui mừng và Hy vọng" (GS) Giáo hội không trả lời câu hỏi Con người là gì? Theo kiểu cổ điển: "Con người là một hữu thể có trí khôn, gồm có xác và hồn", nhưng Giáo Hội hướng về kinh thánh: "Con người đã được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa" (GS 12). "có khả năng nhận biết và yêu mến Đấng Tạo Dựng mình, được Ngài đặt làm chủ mọi tạo vật trên trái đất để cai trị và xử dụng chúng mà ngợi khen Thiên Chúa".
Cũng khởi đi từ Kinh thánh, Giáo hội khai triển chiều kích xã hội: "Nhưng Thiên Chúa đã không tạo dựng nên con người cô độc: bởi vì từ khởi thủy Ngài đã tạo dựng có nam và có nữ (St 1,2-7). Sự liên kết giữa họ đã tạo nên một thứ cộng đoàn đầu tiên giữa người với người. Thực vậy, tự bản tính thâm sâu của mình, con người là một hữu thể có xã hội tính và nếu không liên lạc với những người khác con người sẽ không thể sống và phát triển tài năng của mình" (GS 12).
Con người có bản tính xã hội vì con người không thõa mãn khi sống với thảo mộc và sự xuất hiện của người nữ làm thỏa mãn nhu cầu đối thoại liên vị. (số 110) Con người liên hệ với những người khác như những người được giao cho sự sống của người khác. (số 112) Vì mang tính xã hội nên con người hưởng dùng của cải với trách nhiệm chứ không được tự do khai thác cách tùy tiện và ích kỷ. (số 113)
2.2 Vết thương của tội nguyên tổ
Tội nguyên tổ làm con người mất đi sự thánh thiện và công chính nguyên thủy, (số 115) tạo một vết thương nằm nơi sâu xa nhất của con người. Hậu quả của tội là sự tha hóa (xa rời Thiên Chúa và với chính mình, với người khác và thế giới chung quanh) (số 116). Giáo lý về tội nguyên tổ cho biết tội mang tính phổ quát, có nền tảng rất quan trọng. Giáo lý đó mời gọi đừng ở lại trong tội, đừng xem nhẹ tội, cũng đừng đổ lỗi cho người khác. Tuy nhiên không được tách rời giáo lý về sự phổ quát của tội với ý thức về sự phổ quát của ơn cứu độ. (số 120)
2.3 Con người được cứu độ
Người kitô hữu nhìn thấy vực sâu của tội nhưng luôn nhìn trong ánh sáng hy vọng do Đức Kitô mang lại. (số 121). Nhờ Đức Kitô chúng ta được hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi. (số 122). Theo Tân ước toàn thể thụ tạo cùng với nhân loại đều chờ đợi Đấng Cứu Chuộc.
2.4 Con người đa dạng
“Học thuyết Xã hội Công giáo tìm cách chỉ ra những khía cạnh khác nhau của mầu nhiệm con người: con người phải được tìm hiểu “trong sự thật toàn vẹn của mình, từ sự hiện hữu của bản thân con người cho đến chiều hướng cộng đồng và xã hội”, với sự quan tâm đặc biệt sao cho giá trị của con người được mọi người sẵn sàng nhìn nhận.” (số 126)
- Tính thống nhất của con người : Thống nhất hồn xác, cả hai bản tính kết hợp thành bản tính con người.
- Con người bước ra khỏi mình để hướng về Đấng Vô biên và và để hướng đến người khác. Con người độc nhất không thể sao chép và không thể xâm phạm. Từ đó đưa tới việc tôn trọng nhân phẩm : không thể lấy con người làm bàn đạp để thực hiện dự án mà trái lại dự án là để phục vụ con người.
- Con người tự do hướng về điều tốt là một trong những dấu hiệu chứng tỏ con người giống Thiên Chúa (số 135)
- Mọi người đều bình đẳng vì được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và giống Thiên Chúa “Không có Do Thái hay Hy Lạp, không có nô lệ hay tự do, không có nam hay nữ, vì tất cả anh em đều là một trong Đức Kitô Giêsu” (Gl 3,28; x. Rm 10,12; 1 Cr 12,13; Cl 3,11).
- Con người là hữu thể xã hội (xem bên trên)
3. Tôn trọng con người là tôn trọng quyền con người (Nhân quyền)
Xin xem lại bài trong khóa trước
----------------------------------------------------------
Bài đọc thêm
http://music.vietfun.com/trview.php?ID=944&cat=11
Con trâu con cọp và con người
Ngày xưa, người ta khi dắt trâu ra ruộng thường lấy dây buộc vào sừng trâu mà kéo đi. Một hôm, có con chim đậu ở bụi cây, thấy người nông dân dẫn trâu đi như vậy, bèn hỏi: "Sao ông không thọc lỗ ở mũi trâu mà dắt đi?". Người kia bèn buộc con trâu vào gốc cây, đâm thủng mũi trâu, xỏ dây dắt đi. Sau đó có nhiều người bắt chước theo. Một hôm, sau buổi cày, trong lúc người chủ nghỉ ngơi đi uống nước, con trâu đang ăn cỏ, thì có một con cọp đến hỏi trâu rằng: "Này trâu, sao mày to xác như vậy mà lại để cho một thằng người bé nhỏ xỏ mũi kéo, đánh đập, mà mày cứ chịu lép vế". Trâu trả lời cọp: "Tuy người bé nhỏ, nhưng nó có trí khôn to lớn".
Vừa lúc ấy, người đi cày trở lại. Cọp bèn chặn hỏi: "Nghe trâu nói là người tuy bé nhỏ nhưng có trí khôn. Vậy trí khôn đâu, cho ta xem với". Người đi cầy đáp: "Trí khôn tôi để ở nhà". Cọp bảo: "Hãy về nhà lấy trí khôn cho ta xem". Người nông dân trả lời: "Được chứ Nhưng e rằng trong lúc tôi vắng mặt, thì ông cọp ăn mất trâu của tôi đi. Vậy, cọp có bằng lòng cho tôi trói lại đã, rồi tôi về nhà lấy trí khôn cho mà xem?". Cọp bằng lòng.
Người đi cầy bèn lấy dây thừng, cột cọp thật kỹ vào gốc cây. Rồi ông lấy một chiếc gậy to đánh vào đầu cọp nói rằng: "Trí khôn của tao đây này". Trâu thấy vậy, cười ngã nghiêng, đập hàm vào đất, gãy cả hàm răng trên. Do đó, loài trâu sau này không còn hàm răng trên nữa, vì đã cười cọp. Còn loài cọp thì bị rằn rện, lông có những vết sọc đen trên mình là dấu tích bị loài người đánh.
Linh mục Nguyễn Văn Hưởng,
Nguyên Giám đốc Đại chủng viện Thánh Giu-se Sài-gòn
Nguồn: ghxhcg
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét