Họ là những nam sinh viên mặt còn non choẹt, học ở các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố Vinh. Mới độ tuổi mười tám, đôi mươi, nhưng các chàng trai ấy đã làm bố, làm mẹ bất đắc dĩ của hàng chục cháu bé và hàng nghìn sinh linh xấu số không được sinh ra trên đời.
Đêm đêm từ căn nhà nhỏ thuê ở xóm 10, xã Nghi Phú (TP.Vinh - Nghệ An), những người mẹ đàn ông ấy lại thay nhau cất lên tiếng ru ầu ơ đưa các cháu vào giấc ngủ ngon lành...
Tôi tìm gặp các chàng trai làm mẹ vào một chiều cuối đông. Không thể gặp đầy đủ các bạn vì ai nấy cũng tất bật công việc. Người thì lo đi bán hương trầm, lá dong, người còn lo túc trực chờ một số bà mẹ trẻ có thể trở dạ bất cứ lúc nào...
Và rồi, câu chuyện làm mẹ, làm cha của các chàng trai trẻ đã hút tôi không thể rời căn nhà nhỏ ấy trước khi trời tối. Tranh thủ dịp tết, các bạn phải phân công nhau lên các huyện miền núi mua lá dong, hương trầm về bán để kiếm lời. Số tiền chênh lệch ấy là chi phí chính dành cho hoạt động cả năm của nhóm.
“Để có sữa, có mọi thứ chăm sóc cho các em bé, chúng em phải tranh thủ làm thôi. Chúng em là sinh viên làm gì có tiền” - Trần Hữu Đức - một thành viên của nhóm - cho biết. Đức cũng cho biết, nhóm sinh viên này có đến chục bạn. Họ mượn nhà anh Nguyễn Hữu Chắc và bầu anh làm trưởng nhóm luôn.
Nhóm ra đời bắt đầu từ một câu chuyện hết sức đau lòng mà anh Chắc đã tận mắt chứng kiến. Cách đây 3 năm, một lần đi qua bãi rác, Chắc thấy hai con chó đang giành nhau một thai nhi bị vứt bỏ, thương quá, anh phải dừng chân để tìm cách chôn cất.
Nghe anh Chắc kể, cả nhóm đề nghị làm mọi cách để vừa an táng cho các thai nhi bị từ chối sinh ra, đồng thời gửi đến các bạn trẻ thông điệp: Hãy sống đẹp, sống có trách nhiệm. Và rồi, vừa đến các cơ sở nạo phá thai để xin an táng thai nhi, các bạn vừa thuyết phục các bà mẹ trẻ trở về: Chúng tôi sẽ chăm sóc bạn và em bé...
Đi tìm lời ru
Tôi tới căn nhà nhỏ cũng là lúc cháu bé cuối cùng trong tổng số 20 cháu bé được chăm bẵm ở đây năm 2009 được ông bà nội xin đón về Nghĩa Đàn. Anh Nguyễn Hữu Chắc vui lắm. Anh cười rõ tươi: “Thế là một em bé nữa được đoàn tụ với gia đình”.
Anh kể, năm 2009 các chàng trai đã vận động được hai chục bà mẹ trẻ về căn nhà này để chờ ngày sinh nở. Phần lớn các em đều là học sinh, sinh viên lỡ làng trong tình yêu. Mỗi người một nơi, nhưng hoàn cảnh thì giống nhau, họ đều bị gia đình hắt hủi, xóm làng dị nghị. Có em bị người yêu nghi ngờ nên có lúc đã nghĩ đến cái chết. Khi “mẹ tròn con vuông” chính các bạn ấy lại đến nhà các cô gái lỡ duyên để thuyết phục gia đình đón mẹ con trở về. Như bạn Đức còn đến cả nhà người yêu của một số bạn để thuyết phục ông bà nội chấp nhận cháu.
Chiều ngả vàng, anh Chắc không tiếp chuyện tôi nữa, mà “bàn giao” cho Việt - cậu vừa mới đi bán hương trầm trở về. Việt quê ở Yên Thành, là sinh viên năm thứ hai của Trường CĐ Sư phạm Nghệ An. Việt hớn hở khoe, hôm nay bán được nhiều lắm, bà con không hề mặc cả, ai cũng mua cao hơn giá gốc nhiều lần. Việt đã làm “mẹ” được 2 năm và cả hai năm đều không về quê ăn tết được, vì giao thừa nào cũng có người trở dạ.
Em cho biết, tết năm ngoái em về đến nhà là 10 giờ đêm giao thừa. Vừa thay quần áo xong lại nhận được điện thoại em H sắp sinh. Thế là lại phóng xe vào Vinh ngay trong đêm, đón trọn cả tết trong bệnh viện. Năm nay cũng chưa biết thế nào, vì có 4 bạn gái đang chờ ngày vượt cạn. Họ còn trẻ lắm, khi yêu thì hết mình, nhưng đến khi lỡ làng thì lại cô độc.
Tôi hỏi Việt về sự vất vả của công việc đang làm, em nhỏ nhẹ: “Vất vả thì em chẳng ngại, chỉ là mình chưa có kinh nghiệm, còn lóng ngóng anh ạ. Bây giờ được các bác sĩ Viện Nhi tập huấn, nên cũng ít nhiều hiểu biết, trước đây thì chả biết tí gì”.
Việt kể, có hôm em trông bé cả đêm, sáng mai đi học toàn ngủ gật. Cộng với công việc lượm thai nhi đưa đi an táng cũng bị hiểu lầm, làm em khốn khổ mất mấy ngày. Một hôm, cô giáo em lặng lẽ đi theo về đây. Khi cô chứng kiến công việc của bọn em, đã ôm chầm mà khóc: “Cô cũng là người mẹ, cô không ngờ các em còn trẻ lại là đàn ông mà làm được việc lớn như thế này. Cô cảm ơn em. Thế rồi từ đó, cô giáo đã dạy thêm cho em rất nhiều”.
Sứ giả của tình yêu
Cuối cùng thì tôi vẫn gặp được Trần Hữu Đức - sinh viên Trường CĐ kỹ thuật Việt - Đức. Chiều nay, Đức vừa trải qua kỳ thi hết môn. Đức vui vì bài làm rất tốt. Tôi có lý do phải gặp bằng được Đức, vì cả nhóm đều gọi cậu là sứ giả của tình yêu. Cứ sau khi các bà mẹ sinh nở, Đức lại lặn lội đến các gia đình vận động ông bà, người thân đón hai mẹ con trở về. Đức cũng không ngại ngần gặp các ông bố trẻ, ông bà nội để nói về cháu của họ. Đức đã rất thành công. Tôi thật không ngờ với nét mặt thơ ngây ấy mà Đức lại thuyết phục được các cụ, đặc biệt là các cụ ông nổi tiếng “phong kiến” ở các vùng quê.
Trong 20 cháu của năm 2009 mà các bạn chăm sóc, có cháu nào không được gia đình chấp nhận không - tôi hỏi Đức? Phần lớn là gia đình chấp nhận. Chỉ có một trường hợp em phải chịu thua và một trường hợp em phải làm cách khác. Em N ở Hưng Nguyên sinh cháu được 1 tháng mà gia đình cũng chưa hay biết. Khi em đến nhà thì bố mẹ em ấy giận lắm, nhưng khi xem ảnh, cả hai ông bà đều khóc. Khổ nỗi, bố em ấy bảo: Thương, nhưng không thể đón về được, làng xóm họ chửi vào mặt. Em phải tính cách làm thủ tục nhận con nuôi thì bố em ấy mới chịu...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét