GHXHCG: Lý thuyết và thực hành

Có một câu nói vui ở bản tin Khai mạc Khóa II lớp GHXHCG ngày 2.10.2011 tại hội trường Giê-ra-đô dòng Chúa Cứu Thế Saigon, tác gỉa Trầm Thiên Thu viết: “Tôi muốn gọi môn học này bằng biệt danh 3K (Khó, Khô, Kén). Tại sao? Vì HTXHCG là môn học còn xa lạ với người Công giáo Việt Nam. Thật vậy, HTXHCG không chỉ là môn học KHÓ mà còn KHÔ, do đó mà KÉN người – “kén” người không phải vì người đó kém trình độ học vấn hoặc kém mức độ thông minh, mà vì người đó phải có sự quan tâm đời sống tâm linh, nhân vị và nhân phẩm con người”.

Có lẽ, chính vì “khó – khô” mà Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn đã phải dùng nhiều hình ảnh minh họa đưa vào cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội của GHCG: “…để giúp cho đọc giả dễ tiếp thu một bản văn tương đối khô khan và có tính chuyên đề…” (Lời nói đầu, thay mặt Ban dịch thuật và Thực hiện, Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn). Cũng có lẽ vì ‘khó – khô’ này mà việc phổ biến HTXHCG từ Lý thuyết dẫn đến Thực hành phải dành cho những đối tượng ‘ưu tuyển’ có trình độ, có địa vị như có ai đó từng phát biểu trong lần kết thúc Khóa học I (bạn đọc thứ lỗi, tôi không rõ tên người phát biểu). Tôi đồng tình cách giải thích chữ “Kén” của tác giả Trầm Thiên Thu, vì, học và thực hành HTXHCG không là của riêng ai, mà là, của tất cả cộng đồng Dân Chúa của GHVN: “có sự quan tâm đời sống tâm linh, nhân vị và nhân phẩm con người”.

Thực ra, với riêng chúng tôi, HTXHCG không khô và chẳng khó lắm đâu. Người phổ biến HTXHCG nếu họ thực sự không sống đúng với Tin Mừng vốn là nguồn gốc của HTXHCG thì những chương, đoạn trong cuốn Tóm lược sẽ được diễn giải như một số khái niệm được hợp thành hệ thống, và với nhiều từ ngữ chuyên biệt xa lạ với người nghe, trong tình huống này, một lớp HTXHCG chẳng khác là nơi để người phổ biến HTXHCG ‘khoe khoang’ sự hiểu biết của mình. Viết tới đây, tôi sực nhớ lại những câu chuyện đời rất thực mà Lm Nguyễn Quang Uy dòng CCT kể lại cho anh chị học viên Khóa I GHXHCG, tuy cha Uy không đứng lớp, nhưng từng câu chuyện của ngài minh họa về nguyên tắc nhân phẩm, phẩm giá con người, được vận dụng thiết thực như thế nào. Người nói và người nghe như bắt được một nhịp cầu, vì cuộc sống thực của người đang nói (nhất là khía cạnh giảng giải Tin Mừng hay GHXHCG) như hơi thở thổi vào lòng người nghe thao thức dấn thân vào cuộc sống.

Lý thuyết và thực hành là hai phạm trù ngôn ngữ, thông thường, đi liền với nhau. Những môn học liên quan đến cuộc sống thì lại càng không thể tách biệt, ở đây, chúng tôi muốn nói đến môn học HTXHCG đang được triển khai ở GHVN.

Những chương mục trong cuốn Tóm lược HTXHCG đề cập đến nhiều vấn đề rất ‘nhạy cảm’ của xã hội Việt Nam mà người Việt trong và ngoài nước không thể không quan tâm. Có lẽ nào, Hàng Giáo phẩm & Giáo sỹ VN khi phổ biến HTXHCG lại không dám nhìn thẳng mỗi một vấn đề để qua những nguyên tắc Nhân vị, Công ích, Liên đới, Bổ trợ dấn thân đem Tin Mừng vào lòng xã hội Việt Nam, và HTXHCG không chỉ là một ‘môn học khô –khó’ hay ‘Học thuyết XHCG’ mãi mãi chỉ là học thuyết!

Bạn có biết điều gì mang lại giá trị ở một bài giảng thuyết không? Đó là theo gương Chúa Giêsu, biến cuộc đời của mình thành một bài giảng liên tục, làm chứng cho những giá trị nhân bản, sự thật, tình yêu và niềm hy vọng, vì như Chân phước GH Gioan-Phaolô II đã khẳng định: “Ngày nay, người ta đang cần đặc biệt các hình thức chứng tá đích thực của Kitô Giáo”. Ngài nhắc lại lời của Đức Thánh Cha Phaolô VI: “Con người hôm nay tin tưởng các chứng nhân hơn là thầy dạy, tin vào kinh nghiệm hơn là bài vở, tin vào cuộc sống và hành động hơn là lý thuyết”

Hẳn nhiên, “tư tưởng không thông thì vác bi-đông sao nổi”, câu nói này đi vào lòng mỗi một bộ đội Cụ Hồ thời kháng chiến chống Pháp, Mỹ và họ đã đánh thắng vì chủ trương, đường lối của Đảng CSVN thời kỳ đầu kháng chiến hợp với lòng dân. Người đem áp dụng HTXHCG cũng vậy, họ cần được đào sâu Giáo huấn của GHCG, nhưng họ không thể ‘được học’ như một môn học đặc biệt thuần lý thuyết.

Một chút suy tư từ việc phổ biến GHXHCG: lý thuyết và thực hành

* Dịp Đại hội Dân Chúa Việt Nam (21-25.11.2010), Ban Tổ chức Đại Hội Dân Chúa gởi 15 câu hỏi gợi ý liên quan đến Mầu Nhiệm (4) Hiệp Thông (4) Sứ Vụ (7) với ước mong đón nhận ý kiến của toàn Dân Chúa của GHVN, trong số này có câu hỏi sau: “Làm thế nào để việc bảo vệ phẩm giá của con người, nhất là của những người nghèo và bất hạnh, thật sự trở thành mối quan tâm chung của toàn thể GH tại VN, mà không bị thao túng bởi bất kỳ ý hướng chính trị nào? Làm thế nào quan tâm đến công bằng xã hội được để ý đến trong việc đào luyện lương tâm ngay chính của người tín hữu VN?” - Câu hỏi 6 trong Phần Sứ Vụ.

* Thư Chung tháng 10. 2011 “Vượt khó trên đường đổi mới” gởi cộng đồng Dân Chúa TGP Saigon của ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn và ĐC Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Khảm có nhắc đến việc linh mục không được làm chính trị, nguyên văn : “Nhằm tạo thuận lợi cho linh mục hoàn thành nhiệm vụ mục tử, Giáo Hội quy định linh mục không có chỗ đứng trong cơ chế quyền lực trần thế. Và trách nhiệm cùng chỗ đứng của giáo sĩ trong cộng đồng chính trị là đồng hành với Chúa Giêsu và cộng tác với mọi người thành tâm phục vụ cho công ích, cho sự sống cùng sự phát triển của mọi người, chứ không phải phục vụ cho một thế lực trần thế hay một phe phái chính trị.”

* Vừa mới đây, chúng tôi nhận được một câu hỏi gợi ý của một linh mục, ngài mong nhận nhiều góp ý để đúc kết làm bản góp ý chung ở Công nghị Giáo phận Sài Gòn sắp tới, câu hỏi như sau: “ĐGH Biển Đức XVI nhắn nhủ tín hữu Việt Nam: “Bằng đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính, việc quý trọng công ích, anh chị em phải chứng tỏ rằng : là người Công giáo tốt phải là người công dân tốt.” Anh chị em hiểu lời nhắn nhủ trên như thế nào? Và với bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay, người công giáo thực hiện lời nhắn nhủ này thế nào?”

Vì HTXHCG được Giáo Hội viết ra và phổ biến, là nhắm đến một mục đích đem lại an sinh xã hội dựa vào việc nhìn nhận sự hiện diện của con người là một nhân vị có phẩm giá và cần được tôn trọng. Sứ mạng phổ biến và thực hành HTXHCG của GHVN hiện nay có nhiều thử thách, nhiều khó khăn, cũng gần như Giáo Hội Công giáo Trung quốc, chúng tôi xin được lấy lời của ĐGH Biển Đức XVI ở Tông thư gởi GHCG Trung Quốc (bản dịch từ bản Anh ngữ của Vatican công bố ngày 30.6.2010, do Bs Nguyễn Tiến Cảnh), và những lời nhắn nhủ của ĐGH ở đây cũng mang một ý như lời nhắn nhủ của ngài vào dịp HĐGMVN đi Ad Limina tại Rome ngày 27.6.2009 : “GHCG không có sứ mạng thay đổi cơ cấu tổ chức hoặc quản trị hành chánh của Nhà Nước; ngược lại, Giáo Hội có bổn phận, dựa vào quyền năng của Thiên Chúa khi thi hành sứ vụ đặc thù của mình, tuyên xưng cho mọi người biết Chúa Kitô là đấng cứu chuộc nhân loại. Như tôi đã nói trong thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu: “Giáo Hội không thể và không được tham gia vào công cuộc đấu tranh chính trị để đem lại một xã hội công bình nhất. Giáo Hội không thể và không được thay thế Nhà Nước. Nhưng đồng thời, Giáo Hội cũng không thể và không được làm ngơ, đứng bên lề công cuộc đấu tranh cho công bằng công lý. Giáo Hội phải đóng góp những tranh luận hữu lý và phải làm sống lại nghị lực tâm linh mà nếu không có nó thì công lý – là điều luôn đòi hỏi phải hy sinh – sẽ không thể được thực hiện và được phát triển. Một xã hội công bằng phải là thành quả của chính trị, không phải là thành quả của Giáo Hội. Tuy nhiên, cổ võ công bằng công lý với tâm hồn cơi mở và ước nguyện công ích vẫn là điều mà Giáo Hội hằng quan tâm.”

Chúng tôi hy vọng GHVN không đứng ngoài cuộc trước những bất công đầy dãy của xã hội Việt Nam – Ủy Ban Công Lý & Hòa Bình không riêng một Ban này chịu trách nhiệm, mà toàn HĐGMVN, toàn cộng đoàn Dân Chúa cùng Hiệp Thông & Cầu nguyện, không im lặng làm ngơ mà mạnh dạn lên tiếng, không chỉ một lần mà nhiều lần để lời mời gọi của Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng là điểm tựa cho người có đạo cũng như không có đạo: “Vui mừng và hy vọng, buồn khổ và lo âu của con người hôm nay, cách riêng của những người nghèo và tất cả những ai đang khổ đau, cũng là vui mừng và hy vọng, đau buồn và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô: không một gì đích thật nhân loại mà lại không có tiếng vang trong cõi lòng các tín hữu Chúa Kitô. Hội thánh tự cảm thấy thật sự và sâu xa liên đới với nhân loại và toàn khối lịch sử của nhân loại.”
 
Đình Vượng 
Nguồn: GHXHCG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét